Bạo lực gia tăng ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan
Gần đây, tại Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan diễn ra hàng loạt vụ tiến công của các tay súng Ta-li-ban làm hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Tình hình bạo lực gia tăng tại hai nước Nam Á này gây bối rối cho Mỹ, nhất là trong bối cảnh binh sĩ Mỹ và Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) bắt đầu quá trình rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, trong khi quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và I-xla-ma-bát trở nên căng thẳng sau khi biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen trên lãnh thổ Pa-ki-xtan mà không báo trước cho I-xla-ma-bát.Mười năm đã trôi qua kể từ khi liên quân do Mỹ cầm đầu lật đổ chế độ Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, tình trạng an ninh tại quốc gia Nam Á này vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân cũng như đội quân nước ngoài. Tháng 8 vừa qua trở thành tháng đẫm máu nhất đối với lực lượng Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan khi có tới 66 binh sĩ Mỹ chết, mức thương vong hằng tháng cao nhất kể từ năm 2001. Những tổn thất lớn này diễn ra ngay sau khi Mỹ...
Mười năm đã trôi qua kể từ khi liên quân do Mỹ cầm đầu lật đổ chế độ Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, tình trạng an ninh tại quốc gia Nam Á này vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân cũng như đội quân nước ngoài. Tháng 8 vừa qua trở thành tháng đẫm máu nhất đối với lực lượng Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan khi có tới 66 binh sĩ Mỹ chết, mức thương vong hằng tháng cao nhất kể từ năm 2001. Những tổn thất lớn này diễn ra ngay sau khi Mỹ bắt đầu rút lực lượng chiến đấu khỏi Áp-ga-ni-xtan từ tháng 7 vừa qua với mục đích chuyển giao hoàn toàn vai trò kiểm soát an ninh cho quân đội và lực lượng cảnh sát Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2014.
Bất chấp việc tăng cường các cuộc truy quét của quân đội Mỹ và NATO, các cuộc tiến công của lực lượng nổi dậy ở Áp-ga-ni-xtan không ngừng tăng cả về số lượng và quy mô. Từ đầu năm đến nay, tại Áp-ga-ni-xtan có ít nhất 439 binh sĩ nước ngoài chết, trong đó có hơn 300 binh sĩ Mỹ. Như vậy, từ năm 2001 đến nay đã có hơn 1.750 binh sĩ Mỹ chết ở nước này. Trong khi đó, một báo cáo điều tra của LHQ cho biết, nửa đầu năm nay, có 1.462 dân thường Áp-ga-ni-xtan chết trong các cuộc xung đột vũ trang và bạo lực, tăng 15% so cùng kỳ năm 2010.
Mới đây, các tay súng Ta-li-ban đã mở cuộc tiến công liều chết quy mô lớn nhằm vào Đại sứ quán Mỹ và tổng hành dinh của ISAF ngay tại Thủ đô Ca-bun của Áp-ga-ni-xtan. Ít nhất sáu tên khủng bố, được trang bị súng phóng lựu, tiểu liên và mặc áo gắn đầy chất nổ, đã chiếm lĩnh điểm cao trên một tòa nhà cao 12 tầng đang xây dựng ở quận trung tâm Oa-dia Ác-ba Khan và từ đó nã súng và rốc-két vào Đại sứ quán Mỹ và tổng hành dinh ISAF cùng nhiều mục tiêu khác trong khu ngoại giao đoàn làm ít nhất 27 người chết. Các tay súng này cũng bắn trả quyết liệt trong suốt 20 giờ khi lực lượng an ninh tiến công vào tòa nhà, làm một nhân viên an ninh chết, sáu người khác bị thương, trước khi cả sáu tay súng khủng bố này bị tiêu diệt. Cùng thời điểm diễn ra các cuộc tiến công này, những kẻ khủng bố đã tiến công hai địa điểm tại khu vực phía tây Thủ đô Ca-bun làm hàng chục người bị thương.
Trước đó, Ta-li-ban đã tiến hành vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào một căn cứ quân sự của ISAF do NATO đứng đầu tại trung tâm tỉnh Oa-đắc, miền trung Áp-ga-ni-xtan, làm hơn 100 người bị thương, trong đó có gần 80 binh sĩ Mỹ. Vụ tiến công này xảy ra đúng vào thời điểm cả thế giới tưởng niệm mười năm vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ (11-9-2001 – 11-9-2011).
Trong vụ tiến công mới nhất vào tối 20-9, tại nhà riêng của ông B.Ráp-ba-ni, cựu Tổng thống Áp-ga-ni-xtan và là Chủ tịch Hội đồng hòa bình tối cao nước này ở Thủ đô Ca-bun, xảy ra vụ đánh bom liều chết làm ông Ráp-ba-ni thiệt mạng và Trưởng Ban thư ký Hội đồng hòa bình M.Xta-ních-dai bị thương. Ngay sau khi xảy ra vụ sát hại nói trên, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai đã phải tuyên bố rút ngắn lịch trình tham dự kỳ họp của Đại hội đồng LHQ để về nước. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma cực lực lên án vụ ám sát này, coi đây là một “hành động bạo lực vô nhân đạo”.
Phản ứng trước hàng loạt vụ tiến công của Ta-li-ban nói trên, Tổng Thư ký NATO A.Ra-xmút-xen cho biết, các vụ tiến công này nhằm cản trở kế hoạch chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh cho lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan. Ông Ra-xmút-xen khẳng định, ý đồ trên sẽ không thành công và quá trình chuyển giao trách nhiệm vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cũng lên tiếng kêu gọi các nước tiếp tục hỗ trợ Áp-ga-ni-xtan trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời khẳng định việc các binh sĩ nước ngoài rút quân vào năm 2014 không đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế hoàn toàn rời bỏ nước này. Ông Ban Ki Mun khẳng định cam kết của LHQ tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thương lượng hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan thông qua cung cấp trợ giúp kỹ thuật và tư vấn chính trị hỗ trợ chính quyền của Tổng thống H.Ca-dai tiến hành thương lượng với lực lượng Ta-li-ban.
Tại Pa-ki-xtan, lực lượng Ta-li-ban cũng tiến hành hàng loạt vụ tiến công gây thương vong lớn. Trong đó, mới đây, 50 tay súng phiến quân đã tiến công đồn kiểm soát ở Ba-ra, khu vực bộ lạc Khai-bơ thuộc tỉnh Khai-bơ Pác-tun-oa, thuộc vùng tây-bắc Pa-ki-xtan, gần biên giới Áp-ga-ni-xtan, làm ít nhất 15 người chết, trong đó có năm nhân viên an ninh Pa-ki-xtan. Trước đó, tại vùng Hạ Đi-a ở vùng tây-bắc nước này xảy ra vụ đánh bom khủng bố làm ít nhất 18 người chết và gần 50 người bị thương. Lực lượng Ta-li-ban cũng tiến công một xe buýt chở học sinh ở ngoại ô TP Pê-sa-oa làm bốn học sinh và lái xe chết. Kể từ năm 2007, hơn 4.630 người đã chết trong các vụ đánh bom tại Pa-ki-xtan. Lực lượng Ta-li-ban và mạng lưới khủng bố An Kê-đa bị cáo buộc thực hiện các vụ đánh bom này.
Trong bối cảnh Ta-li-ban mở hàng loạt cuộc tiến công nói trên, Oa-sinh-tơn đã tìm cách hàn gắn quan hệ với I-xla-ma-bát vốn căng thẳng sau vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen trên lãnh thổ Pa-ki-xtan. Theo đó, mới đây, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ M.Mu-len và người đồng cấp Pa-ki-xtan, Tướng A.Cay-a-ni đã tiến hành thảo luận trong hơn hai giờ bên lề hội nghị NATO diễn ra tại TP Xê-vin của Tây Ban Nha, nhằm cải thiện quan hệ giữa hai bên. Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí rằng quan hệ giữa Mỹ và Pa-ki-xtan hết sức quan trọng đối với sự ổn định trong khu vực, và hai bên đã có những bước đi tích cực để cải thiện quan hệ trong mấy tháng qua. Bên cạnh đó, ông M.Mu-len và ông A.Cay-a-ni cũng thảo luận về hợp tác quân sự giữa hai nước và cam kết tiếp tục tìm cách thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn. Trước đó, Oa-sinh-tơn cảnh báo có thể cắt giảm 2,7 tỷ USD trong khoản viện trợ quân sự cho Pa-ki-xtan, trong khi I-xla-ma-bát tuyên bố trục xuất hơn 200 quân nhân Mỹ khỏi Pa-ki-xtan. Đại sứ Mỹ tại Pa-ki-xtan C.Măn-tơ khẳng định, mạng lưới khủng bố Haqqani có căn cứ tại Pa-ki-xtan đứng sau vụ tiến công mới đây nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Ca-bun của Áp-ga-ni-xtan, đồng thời cho rằng nhóm này có liên hệ với chính quyền I-xla-ma-bát. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Pa-nét-ta đã bày tỏ thất vọng về việc I-xla-ma-bát không khống chế được mạng lưới Haqqani, đồng thời cảnh báo sẽ giáng trả thích đáng lực lượng phiến quân tại Pa-ki-xtan. Lâu nay, Oa-sinh-tơn vẫn tỏ ý nghi ngờ chính phủ Pa-ki-xtan hậu thuẫn mạng lưới Haqqani và luôn hối thúc I-xla-ma-bát hành động chống lực lượng này.
Tình trạng bạo lực gia tăng tại Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan trong thời gian qua đã đặt chiến lược chống khủng bố của Mỹ tại khu vực Nam Á này trước những thử thách khó khăn, đồng thời đe dọa làm chậm tiến trình rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014. Vấn đề càng trở nên khó khăn hơn khi một ủy ban của Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua khoản cắt giảm 1,6 tỷ USD trong ngân sách 12,8 tỷ USD ban đầu cấp cho công tác huấn luyện lực lượng an ninh bản địa tại Áp-ga-ni-xtan.
Theo Nhandan
Ý kiến ()