Báo Lạng Sơn trên tiến trình hiện đại hóa
– Năm 2023, Báo Lạng Sơn bước sang năm thứ 59 kể từ ngày ra số đầu (1/5/1964 – 1/5/2023). Trong suốt quá trình phát triển, lớp lớp thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo Lạng Sơn đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, bắt nhịp với xu thế phát triển trong từng giai đoạn, xây dựng Báo Lạng Sơn ngày càng hiện đại.
Số báo đầu tiên
Ngày 5/3/1964, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TĐB về việc chuyển tờ “Tin Lạng Sơn” thành “Báo Lạng Sơn” cơ quan tuyên truyền trực tiếp của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Lạng Sơn kể từ ngày 1/4/1964. Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 1/5/1964 Báo Lạng Sơn ra số báo đầu tiên.
Cách đây 10 năm, có dịp gặp nhà báo Vũ Bách (ông đã mất năm 2021), biết ông là một trong năm biên chế của Báo Lạng Sơn những ngày đầu tiên ấy, tôi hỏi về việc chuẩn bị để ra tờ báo số đầu, ông cười: “Có gì đâu, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, theo phân công của tổ chức, chúng tôi mỗi người đảm nhiệm “vài việc” từ đi cơ sở chuẩn bị tin, bài, ảnh, rồi hợp đồng với nhà in để in báo, hợp đồng với Bưu điện để lo phát hành… Tôi thì ngoài việc chụp ảnh còn kiêm quản lý buồng tối làm ảnh, đi Hà Nội làm ảnh kẽm, mua vật tư ảnh và xin chỉ tiêu giấy in báo theo kế hoạch được Nhà nước phân phối… Sơ sơ vậy thôi”.
Với những phóng viên mới của Báo Lạng Sơn, việc đầu tiên khi vào tòa soạn không phải là viết bài mà là đọc lịch sử. Đọc để mường tượng ra được tại sao không có máy tính, không thiết bị công nghệ hiện đại và chỉ với vài con người mà thế hệ làm báo xưa lại giải quyết, xử lý được ngần ấy công việc, đặt nền móng cho sự phát triển của Báo Lạng Sơn trong từng giai đoạn sau này.
Lần giở lại lịch sử Báo Lạng Sơn, phân tích kỹ để thấy, để ra được số báo đầu tiên trong bối cảnh khó khăn ngày ấy, ngoài quyết tâm, những người làm báo năm xưa ấy đã phải rất nỗ lực để làm chủ được trang thiết bị. Những thứ “sơ sơ” mà nhà báo Vũ Bách nói năm nào là cả một sự chuẩn bị công phu, chi tiết để mỗi người nắm rõ kỹ thuật in; sử dụng máy ảnh; làm ảnh trong buồng tối; kỹ thuật dàn trang, trình bày…Đó là một trong những bài học quý cho thế hệ làm báo trẻ ngày nay, thiết bị có tối tân đến đâu, nhưng người sử dụng không làm chủ được; công nghệ có hiện đại tới đâu nhưng người thực hiện không áp dụng được thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn.
Tin học hóa
Từ số báo đầu tiên, với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, viên chức lao động và sự quan tâm của tỉnh, Báo Lạng Sơn có sự phát triển mạnh mẽ. Cuối tháng 9/1996, Báo Lạng Sơn được tỉnh trang bị dàn máy vi tính để làm maket và bình bản báo. Đây có thể coi là bước ngoặt quan trọng là bước đầu tiên của Báo Lạng Sơn trong quá trình tin học hóa và sau này là chuyển đổi số.
Kể về thời kỳ này, nhà báo Hoàng Thanh Luyện, nguyên Trưởng Phòng Phóng viên Chính trị – Xã hội cho biết: Máy tính được “chăm” kỹ hơn người, có phòng riêng, trải thảm, điều hòa mát lạnh 24/24 giờ, ai vào phải để giầy, dép bên ngoài. Từ dàn máy ban đầu, những năm sau tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư bổ sung cho báo…
Có thiết bị hiện đại, cả Tòa soạn chuyển đổi cách làm, nếu như trước kia phóng viên viết tay rồi chuyển kỹ thuật viên đánh máy, thì khi số lượng máy đã cơ bản đủ, phóng viên chuyển sang viết trên máy tính; bộ phận trình bày trước kẻ vẽ maket bằng tay, thì chuyển sang sử dụng phần mềm dàn trang… Nói thì tóm tắt vậy, nhưng quá trình chuyển đổi này là cả sự quyết tâm của tập thể, bởi thời điểm đó nào ai đã biết máy vi tính là gì, để soạn thảo được văn bản thôi cũng phải rất quyết tâm, nhất là đối với những nhà báo đã cao tuổi.
Những năm 2000, đặc biệt là khi trang tin điện tử Báo Lạng Sơn ra đời (2008), việc tin học hóa trong quy trình xuất bản của Tòa soạn cơ bản được phủ kín. Thế nhưng đó mới chỉ là tin học hóa từng khâu, từng bộ phận. Phóng viên soạn thảo xong bài viết vẫn phải in bản giấy trình lãnh đạo phòng thẩm định; cũng bản giấy ấy sau khi thẩm định được chuyển tới bộ phận biên tập, rồi bộ phận kỹ thuật lại phải chỉnh sửa bản đã biên tập rồi mới chuyển bộ phận liên quan để trình bày…
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đồng bộ các khâu đã tin học hóa ấy thành một quy trình khép kín? Làm thế nào để phóng viên có thể tác nghiệp và gửi thông tin về mọi lúc, mọi nơi? Và nếu như phóng viên gửi được ở mọi lúc, mọi nơi thì làm thế nào để các khâu kiểm duyệt có thể xử lý chính xác, kịp thời các thông tin ấy… Vừa làm, vừa học hỏi, vừa cải tiến, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy, Ban Biên tập, cán bộ, viên chức, người lao động Báo Lạng Sơn không ngừng nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề, đó là những bước khởi đầu của chuyển đổi số hướng tới xây dựng Tòa soạn hiện đại…
Từng bước số hóa
Năm 2015, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, Ban Biên tập Báo Lạng Sơn chỉ đạo các bộ phận liên quan điều chỉnh một số tính năng của phần mềm văn phòng điện tử (Eoffice) và ứng dụng phần mềm này vào quy trình xuất bản. Hướng đi này đã đạt được mục tiêu “kép”, thứ nhất là tận dụng được phần mềm, thiết bị hiện có, thứ hai là đồng bộ được toàn bộ các khâu đã được tin học hóa trước đây. Hay nói cách khác, nếu như trước đây, tin học hóa chỉ là riêng lẻ ở mỗi bộ phận, thì việc cải tiến và đưa ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử vào quy trình xuất bản như một sợi dây liên kết tất cả các khâu đó lại. Việc ứng dụng phần mềm cũng là một trong những bước khởi đầu cho một tòa soạn Báo Lạng Sơn hội tụ trên không gian mạng.
Từ thời điểm này, các phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo trực duyệt chỉ cần có máy tính xách tay kết nối mạng internet và cài phần mềm Eoffice là có thể thực hiện công việc của mình ở bất cứ nơi nào. Nếu như trước kia, phóng viên viết bài xong phải đến tòa soạn in bài, gửi ảnh và trình lãnh đạo phòng duyệt, thì nay được thực hiện qua phần mềm; các khâu biên tập, thẩm định, duyệt nội dung, maket cũng vậy…
Năm 2018, Trang tin điện tử Báo Lạng Sơn được nâng cấp thành Báo Lạng Sơn điện tử, trước yêu cầu mới, Báo Lạng Sơn đã không ngừng đổi mới về hình thức, nội dung của báo in, báo điện tử và cho ra đời thêm các phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ mà mạng xã hội đã phát triển quá mạnh mẽ, phương thức tiếp cận thông tin của bạn đọc đã thay đổi rất nhiều, điều đó đòi hỏi quy trình xuất bản báo phải chuyên nghiệp hơn nữa, các kênh truyền tải phải đa dạng hơn nữa…
Cuối năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng, phát triển Báo Lạng Sơn hiện đại đến năm 2025”, từ đây, với sự quan tâm của tỉnh, Báo Lạng Sơn được đầu tư, bổ sung thêm nhiều trang thiết bị hiện đại và phần mềm làm báo chuyên nghiệp (thay thế cho phần mềm Eoffice tận dụng trước đây).
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả tập thể, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo Lạng Sơn đã chủ động nghiên cứu, học hỏi, từng bước làm chủ thiết bị, công nghệ. Với phương châm của chuyển đổi số trong báo chí: Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó; bạn đọc tiếp cận thông tin ở kênh nào thì báo chí cũng phải có kênh đó, Báo Lạng Sơn đã tiếp tục phát triển nội dung trên fanpage và zalo.
Cùng với đó, nội dung cũng có nhiều thay đổi, bám sát định hướng, theo đúng tôn chỉ mục đích, nhưng nội dung phải nhanh hơn, phản ánh những vấn đề mà độc giả quan tâm, đưa thông tin chính thống tới độc giả một cách nhanh nhất. Từ đây, rất nhiều cách thể hiện nội dung được triển khai, các sản phẩm đa phương tiện được tăng cường; quay, phát trực tiếp các sự kiện lớn của tỉnh qua mạng xã hội để phục vụ công chúng…
Chị Lương Thị Lựu, khu 4, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng chia sẻ: “Tôi tiếp cận với thông tin của Báo Lạng Sơn qua facebook, thông tin rất nhanh, rất chính xác. Trong khi thông tin trên mạng xã hội thật, giả khó lường, thì Báo Lạng Sơn đã cung cấp cho người dân chúng tôi những thông tin chính thống, tin cậy nhất. Đây không chỉ là cảm nhận của tôi, mà bạn bè, người thân của tôi cũng thường xuyên đọc các thông tin của Báo Lạng Sơn và đều có chung nhận xét như tôi”.
Với những nỗ lực không ngừng, Báo Lạng Sơn đã bước đầu đạt được những kết quả tốt. Nếu như chỉ 1 – 2 năm trước, lượng truy cập Báo Lạng Sơn điện tử chỉ đạt 2.000 – 3.000 lượt/ngày, thì hiện nay, lượng độc giả truy cập, tiếp cận thông tin trên các phiên bản của Báo Lạng Sơn đã đạt gần 2 vạn lượt/ngày, có thời điểm lên đến trên 4 vạn lượt/ngày.
Những con số phân tích về website Báo Lạng Sơn trên trang similarweb.com trong 3 tháng đầu năm 2023 cho thấy, trong 14 báo đảng địa phương các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, Báo Lạng Sơn là một trong những báo top đầu về lượng truy cập.
59 năm qua, với sự quan tâm của tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên, Báo Lạng Sơn ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ. Xuyên suốt trong tiến trình phát triển là sự năng động, sáng tạo, quyết tâm của cả tập thể vươn lên làm chủ thiết bị, công nghệ, bắt nhịp tốt với xu thế thời đại trong từng giai đoạn, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Dù còn nhiều khó khăn đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng với ý chí, khát vọng cống hiến, đội ngũ những người làm báo Báo Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực, học tập, rèn luyện xây dựng Báo Lạng Sơn ngày càng hiện đại, thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Ý kiến ()