Bảo Lâm: Chú trọng tuyên truyền pháp luật
(LSO) – Bảo Lâm là xã vùng 3, biên giới của huyện Cao Lộc, có 733 hộ gia đình với 3.247 nhân khẩu, phần lớn là dân tộc Tày, Nùng cùng sinh sống tại 10 thôn. Thời gian qua, tình trạng người dân khiếu kiện về tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê vẫn xảy ra; tình hình buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy tiềm ẩn, phức tạp; đầu năm 2018, trên địa bàn xảy ra 1 vụ đánh bạc với 15 đối tượng bị cơ quan chức năng xử lý.
Cán bộ Đồn Biên phòng Bảo Lâm phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho cán bộ xã Bảo Lâm
Do điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, phong tục tập quán, trình độ dân trí chưa đồng đều, ít nhiều ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đồng chí Lý Văn Bào, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm cho biết: Để nâng cao nhận thức cho nhân dân, ngay từ đầu năm 2018, cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Bảo Lâm tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 – 2021”.
Tuyên truyền được thực hiện bằng các hình thức như: lồng ghép tại hội nghị, cuộc họp thôn, phát tờ rơi, gặp gỡ, đối thoại, thông qua tủ sách pháp luật tại trụ sở UBND xã. Hiện tủ sách pháp luật có 350 đầu sách, đặt ở nơi thuận tiện để cán bộ và nhân dân đến mượn, đọc sách tham khảo, góp phần nâng cao hiệu quả PBGDPL. Từ đầu năm 2018 đến nay, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể xã đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL được 11 cuộc, cho hơn 800 lượt người về các nội dung: Bộ Luật Hình sự năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước; Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm… Anh Đoàn Minh Tuấn, công chức tư pháp xã Bảo Lâm cho biết: Bộ phận tư pháp tích cực tham mưu cho chính quyền, lựa chọn hình thức cung cấp thông tin giúp người dân dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu khi tiếp cận với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng nâng cao chất lượng các tổ hòa giải cơ sở, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải và những lĩnh vực pháp luật được vận dụng trong công tác hòa giải để đội ngũ cán bộ hòa giải có thêm kiến thức pháp luật, làm tốt vai trò “trung gian”.
Trong 9 tháng năm 2018, UBND xã đã củng cố, kiện toàn 2 tổ hòa giải, đến nay, toàn xã có 10 tổ hòa giải với 62 hòa giải viên. Trên địa bàn xảy ra 10 vụ tranh chấp chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Các tổ hòa giải đã phát huy vai trò, tổ chức hòa giải thành công 8 vụ, số còn lại đang tiếp tục hòa giải. Ngoài ra, UBND xã tổ chức tiếp 17 lượt công dân đến phản ánh liên quan đến giải phóng mặt bằng, lĩnh vực đất đai. Qua tiếp công dân đã giải đáp những thắc mắc và tuyên truyền, hướng dẫn công dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nên đã hạn chế được các vụ việc phức tạp, tránh khiếu kiện vượt cấp, đông người. Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền, PBGDPL, đã có 250 lượt người dân sang Trung Quốc làm thuê tự giác làm giấy thông hành, xuất nhập cảnh đúng đường, chấp hành nghiêm túc pháp luật.
Thiếu tá Lâm Văn Thảo, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bảo Lâm cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã Bảo Lâm tổ chức tuyên truyền pháp luật được 38 buổi cho hơn 1.600 lượt người. Nội dung tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Luật Biên giới quốc gia; 3 văn kiện pháp lý về quản lý biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc; Nghị định 34 về quản lý biên giới, công tác phòng, chống tội phạm, không vượt biên trái phép.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn không phát sinh thêm vụ việc nào phức tạp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ý kiến ()