Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Khẳng định giá trị sản phẩm
(LSO) –Để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh thì việc thiết lập văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ như: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên tên tuổi, uy tín cho sản phẩm, giúp sản phẩm có thể vươn tới những thị trường khó tính trong, ngoài tỉnh và vươn ra thế giới. Đồng thời, giúp người sản xuất yên tâm mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị và áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng. Những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thực hiện có hiệu quả công tác này.
Nếu như trước đây, sản phẩm hoa hồi của tỉnh chủ yếu chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá thành thấp. Từ khi có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm này không chỉ được xuất sang Trung Quốc mà đã xuất sang những thị trường khó tính hơn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí là đã sang đến thị trường châu Âu. Nhờ đó, giá hồi được nâng lên, nông dân yên tâm mở rộng diện tích và chú trọng chăm sóc cây hồi.
Sản phẩm hoa quả tươi huyện Hữu Lũng được quảng bá tại ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn
Bà Nguyễn Thị Trường, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Từ khi có chỉ dẫn địa lý, nhiều doanh nghiệp tìm đến đặt hàng hơn. Có doanh nghiệp đăng ký thu mua hồi trồng theo tiêu chuẩn hồi hữu cơ với giá thành cao hơn từ 4 đến 5 lần giá hồi thường. Vì thế, người dân trên địa bàn xã yên tâm mở rộng diện tích và chủ động chăm sóc rừng hồi.
Không chỉ có hồi, quýt vàng Bắc Sơn, khoai lang Lộc Bình, rau thành phố Lạng Sơn, hoa quả tươi huyện Hữu Lũng… từ những sản phẩm vốn chỉ được tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh, giờ được nâng tầm thành sản phẩm đặc trưng, có mặt tại các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy, sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể, giá sản phẩm tăng từ 1,5 đến 2 lần. Điển hình như khoai lang huyện Lộc Bình những năm trước chỉ khoảng 5.000 – 7.000 đồng/kg, sau khi được cấp văn bằng công nhận nhãn hiệu tập thể, giá khoai ở mức 12.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg, có thời điểm 25.000 đồng/kg tùy loại.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: nhận thức được giá trị của nhãn hiệu tập thể, nông dân trên địa bàn huyện chủ động đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác, kéo dài thời gian thu hoạch quả, cho cây ra quả trái vụ… nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tham gia xây dựng, sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý, các thành viên được sử dụng hợp pháp nhãn hiệu trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, được tham gia tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, khi có tranh chấp xảy ra thành viên được nhà nước bảo hộ quyền sử dụng hợp pháp. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Có thể nói, chưa bao giờ công tác xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được triển khai thực hiện có hiệu quả như 2 năm trở lại đây. Bà Vy Thị Thúy, Chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 20 sản phẩm được cấp văn bằng công nhận nhãn hiệu tập thể, 2 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh có 7 nhãn hiệu tập thể, 1 nhãn hiệu chứng nhận được cấp văn bằng bảo hộ như: rau thành phố Lạng Sơn; hoa quả tươi huyện Hữu Lũng; rau Cao Lộc; ngựa bạch Chi Lăng; rượu Hữu Lễ, huyện Văn Quan; rượu Hội Hoan, huyện Văn Lãng…
Từ khi các huyện, thành phố đẩy mạnh đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, nhận thức của người dân không ngừng nâng lên. Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn 100 doanh nghiệp, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công ngiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích.
Trong bối cảnh nước ta đang tăng cường hội nhập với các quốc gia trên thế giới thì càng cần thiết phải bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bởi nó làm tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây cũng là điều kiện để người sản xuất yên tâm đầu tư, phát triển sản phẩm. Với người tiêu dùng, việc sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ với bao bì, nhãn mác rõ ràng, có thể truy xuất được nguồn gốc giúp họ nhận diện sản phẩm có chất lượng cao, từ đó gắn bó lâu dài.
Ý kiến ()