Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp Điện ảnh Việt Nam
Hơn 100 đại biểu tham gia Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp Điện ảnh,” tổ chức sáng 22/11, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, nhân Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII.
Quang cảnh cuộc hội thảo. (Ảnh: Anh Vũ/Báo Thể thao & Văn hóa)
Sáng 22/11, Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp Điện ảnh.”
Đây là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII đang diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là những nhà quản lý, nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên trong cả nước; là cơ hội để các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền tiếp tục lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của các nhà sáng tạo tác phẩm Điện ảnh.
Trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi làm động lực phát triển các hoạt động bảo hộ bản quyền, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghiệp Điện ảnh nói riêng và các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền nói chung.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm Điện ảnh hiện vẫn còn xảy ra, đặc biệt là vi phạm trên môi trường Internet gây thiệt hại cho nhà sản xuất phim.
Để khắc phục tình trạng trên, bà Oanh cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ tác quyền đối với tác giả, cá nhân, công chúng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thực thi quyền tác giả và xử lý các hành vi xâm phạm trên không gian mạng.
Đạo diễn, nhà sản xuất phim Lương Đình Dũng nêu vấn đề các bộ phim bị xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng nhưng cũng chưa có giải pháp xử phạt nặng các cá nhân, trang mạng thực hiện hành vi này.
Theo ông Dũng, vấn đề này cần được chú trọng giải quyết để tạo ra môi trường Điện ảnh lớn mạnh trong nước. Ngoài ra, một tác phẩm Điện ảnh cũng có thể bị xâm phạm bằng ngôn từ, khen chê bừa bãi thiếu cơ sở gây tổn thất về kinh tế cho tác phẩm, tác giả nhưng cũng chưa có chế tài xử lý. Thực trạng này cũng gây ra khó khăn cho các nhà làm phim mới nổi hoặc mới làm phim.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.
Hội thảo lần này nhằm xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền, qua đó từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Điện ảnh Việt Nam giai đoạn từ năm 2018-2022 có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, đối với ngành Điện ảnh, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm; nguồn lực lao động tăng 8,05%, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực Điện ảnh tăng 8,39%.
Doanh thu Điện ảnh chiếu rạp trong năm 2018 đạt khoảng 3.400 tỷ đồng và đạt trên 4.100 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, doanh thu toàn ngành có sự sụt giảm đáng kể (đạt 750 tỷ đồng), năm 2021 đạt 1.156 tỷ đồng. Đến năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành đã phục hồi tốt, đạt khoảng 70% so với năm 2019./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/bao-ho-ban-quyen-trong-phat-trien-cong-nghiep-dien-anh-viet-nam-post909176.vnp
Ý kiến ()