Bảo hiểm y tế: Vấn đề cấp thiết của bệnh nhân HIV/AIDS
LSO - Trước kia, bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có các nguồn viện trợ nước ngoài hỗ trợ điều trị nhưng hiện nay ngày càng bị cắt giảm và sẽ ngừng hẳn vào năm 2017. Để tiếp tục duy trì điều trị cho các bệnh nhân thì cần phải có nguồn tài chính bền vững nhằm thực hiện hiệu quả công tác này. Vì vậy, việc cấp thiết của các bệnh nhân HIV/AIDS lúc này là tham gia BHYT để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh khi không còn nguồn viện trợ.
Cấp phát thuốc cho học viên điều trị ARV tại Trung tâm Giáo dục, Chữa bệnh, Lao động Xã hội tỉnh |
Anh Trần A.D ở thành phố Lạng Sơn đã chung sống với căn bệnh HIV/AIDS được gần 10 năm. Anh D cho biết: nếu không được hỗ trợ điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) thì có lẽ tôi không còn sống được đến ngày hôm nay. Nghe nói để có thuốc này điều trị, sẽ phải tốn một số tiền không nhỏ, đó là chưa kể phải gắn bó suốt đời với thuốc.
Anh Phạm S.T ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc phát hiện mình bị nhiễm HIV/AIDS được 7 năm. Anh T cũng đã chủ động đến Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc để đăng ký khám và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí. Nhờ uống thuốc đều đặn, sức khỏe của anh T được duy trì. Anh T vẫn làm việc bình thường và đảm bảo kinh tế chính cho gia đình. Theo anh T, cả vợ chồng anh đều nhiễm HIV/AIDS, nếu bị cắt viện trợ thì gia đình sẽ phải tốn nhiều chi phí cho điều trị.
Có thể thấy vai trò rất lớn từ nguồn viện trợ đối với sức khỏe của bệnh nhân HIV/AIDS nói riêng và góp phần không nhỏ vào việc dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 4 tháng nữa những bệnh nhân như anh D, anh T sẽ phải tự chi trả khoản chi phí sử dụng thuốc điều trị ARV. Ở Lạng Sơn, theo con số lũy kế của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thì hiện nay còn khoảng 846 người bị nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 628 người đang được điều trị ARV. Số bệnh nhân này cũng sẽ phải “tự túc” kinh phí điều trị trong thời gian tới. Với số lượng thuốc bệnh nhân phải dùng hằng ngày, trong khi trong nước chưa thể sản xuất được, bệnh nhân AIDS phải điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội với chi phí ngày càng tăng… thì đây sẽ là khó khăn không nhỏ đối với các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Bà Nông Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn cho biết: năm 2016, sau khi có thông tư hướng dẫn về sử dụng thẻ BHYT trong điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo 100% cơ sở y tế, trạm y tế tuyên truyền chủ trương này và phát tờ rơi, tờ gấp đến bệnh nhân HIV/AIDS. Đồng thời đưa nội dung trên vào chỉ đạo truyền thông tại các cuộc họp, hội nghị chuyên môn. Đối với kênh dân cư, phát huy vai trò của trạm y tế xã trong việc tuyên truyền, lồng ghép, tư vấn cho bệnh nhân. Từ đầu năm 2016 đến nay, với trên 300 lượt tư vấn, tuyên truyền lồng ghép, nhiều bệnh nhân HIV/AIDS đã nhận thức được hiệu quả của việc sử dụng thẻ BHYT để điều trị bệnh. Hiện đã có 428 bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT, chiếm 70,29% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT.
Nếu dựa trên con số thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thì còn hơn ½ số bệnh nhân HIV/AIDS còn sống trên địa bàn tỉnh chưa có thẻ BHYT. Số bệnh nhân này đa phần không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống khó khăn, chỗ ở không cố định hoặc còn giữ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của các nguồn viện trợ; hoặc còn e ngại bị kỳ thị do sợ lộ danh tính khi đăng ký tham gia BHYT… nên rất khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền tham gia BHYT.
Hiện nay, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đang chủ động rà soát lại danh sách bệnh nhân và phối hợp với trung tâm các tỉnh để có con số thông báo chính xác số người nhiễm và dự báo tình hình dịch bệnh. Từ đó có hướng tuyên truyền, vận động, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trong thời gian tới.
Bà Nông Thị Mai cho biết thêm: Trung tâm đã tham mưu cho Sở Y tế dự kiến cuối tháng 8 sẽ tổ chức hội nghị với các cơ sở y tế, trung tâm y tế huyện, BHXH để chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất cho việc khám và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT. Đến thời điểm này, các bệnh viện tuyến huyện đã có sự chuẩn bị về nhân sự, bố trí ít nhất 2 cán bộ phụ trách để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Bài, ảnh: Hoài An
Ý kiến ()