Bảo hiểm xã hội các địa phương dốc "toàn lực" để về đích
Ðể hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2022, trong quý IV, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thu hút thêm hơn 1,93 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (trong đó, gồm: 1,17 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc, 765.652 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hơn 4,25 triệu người tham gia bảo hiểm y tế…), đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi ngành bảo hiểm xã hội phải tập trung “toàn lực” để về đích…
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị bảo hiểm xã hội các địa phương tập trung các giải pháp mở rộng đối tượng để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022. (Ảnh THANH HẰNG) |
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong tháng 9/2022, toàn ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt và đạt nhiều kết quả tích cực. Lũy kế hết tháng 9/2022, đã có hơn 17,24 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (đạt 34,84% lực lượng lao động), trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc có hơn 15,73 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện có hơn 1,51 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp có hơn 14,02 triệu người, bảo hiểm y tế là hơn 87,5 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 88,42% số dân…
Nhiều khó khăn trong mở rộng đối tượng…
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành quý IV/2022, được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai trực tuyến tới các đơn vị trực thuộc, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân và 726 điểm cầu tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, quận, huyện trên toàn quốc, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các tháng cuối năm là hoàn thành nhiệm vụ thu và phát triển người tham gia.
Trước đó trong tháng 8/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thành lập các Ðoàn công tác do lãnh đạo ngành chủ trì để trực tiếp nắm bắt tình hình và đôn đốc thu, phát triển đối tượng tại các tỉnh, thành phố (chia theo tám cụm). Sau một tháng triển khai thực hiện kết luận của các Ðoàn công tác đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Ngày 20/9/2022, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Tuy nhiên, tốc độ phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn có dấu hiệu chậm lại trong tháng 9; nhiều địa phương chưa khai thác hiệu quả việc mở rộng độ bao phủ đến các nhóm đối tượng tiềm năng…
Chia sẻ thông tin tại hội nghị, đại diện Bảo hiểm xã hội một số địa phương đều thừa nhận, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tháng 9 không đạt như kỳ vọng, bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhiều người lao động phải nghỉ việc; một số nhóm dân cư không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo Quyết định số 861/QÐ-TTg… Tuy vậy, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương đều cam kết sẽ nỗ lực “chạy nước rút” trong ba tháng cuối năm, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Các địa phương “chạy nước rút”
Là những địa phương có số thu và số đối tượng tiềm năng lớn nhất nước, hiện nay cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tích cực vận động các tổ chức kinh tế, chính quyền địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động và một số nhóm dân cư đặc thù… “Hậu Covid-19, số gia tăng bảo hiểm xã hội tự nguyện của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bảo đảm nhanh và bền vững”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết. Hay tại An Giang, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp ngành Giáo dục và Ðào tạo chuyển đổi hình thức tham gia bảo hiểm y tế của nhóm học sinh, sinh viên theo năm học sang năm tài chính; mở rộng mô hình nuôi heo đất tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình thì tập trung nâng cao hiệu quả tuyên truyền qua các tổ chức dịch vụ thu, cộng tác viên…
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, Thượng tá Quản Thiện Hùng cho biết: Bên cạnh thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm theo luật định, ngành Công an còn thực hiện mở rộng hoạt động tuyên truyền chính sách đến các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ trong ngành. Ðồng thời, cũng đề nghị tăng cường các giải pháp chia sẻ thông tin giữa hai ngành, để bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như bảo đảm quyền lợi kịp thời cho các chiến sĩ công an như sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Mặc dù có không ít khó khăn, thách thức, nhưng Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Ðình Liệu cho rằng, công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của toàn ngành vẫn có thể vượt số thu theo kế hoạch năm 2022, nhưng tỷ lệ nợ cũng đang ở mức khá cao, cần có các giải pháp quyết liệt để bảo đảm hạ xuống mức 2,5%-3% số phải thu như kế hoạch đặt ra trong năm. Ðồng thời, để mở rộng số người tham gia, Bảo hiểm xã hội các địa phương phải rà soát, phát huy cao nhất tiềm năng ở các nhóm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên, hộ cận nghèo và nghèo đa chiều vừa ra khỏi diện hỗ trợ bảo hiểm y tế theo Quyết định số 861/QÐ-TTg…
Tập trung rà soát lại 163,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (tính đến tháng 9/2022) để vận động các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho người lao động; triển khai nghiêm túc các giải pháp mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra. Ðặc biệt, cần phát động phong trào thi đua tăng thu, mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để khuyến khích các địa phương hoàn thành nhiệm vụ.
Ý kiến ()