Bảo hiểm vốn vay cho nông dân
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp đến thăm trụ sở chính ngân hàng tại Hậu Giang vào tháng 11-2009, Ngân hàng TMCP Bưu Ðiện Liên Việt (LienVietPostBank) đã triển khai thực hiện Ðề án "Ðầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) giai đoạn 2010 - 2013". Kế thừa thành công của đề án, đồng thời góp phần kéo lãi suất cho vay nông dân xuống thấp, xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi vùng nông thôn, LienVietPostBank tiếp tục xây dựng Ðề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi có bảo hiểm từ thiện lãi suất giai đoạn 2013 - 2015. Chung quanh việc triển khai đề án này, phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ðức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HÐQT LienVietPostBank.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp đến thăm trụ sở chính ngân hàng tại Hậu Giang vào tháng 11-2009, Ngân hàng TMCP Bưu Ðiện Liên Việt (LienVietPostBank) đã triển khai thực hiện Ðề án “Ðầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) giai đoạn 2010 – 2013”. Kế thừa thành công của đề án, đồng thời góp phần kéo lãi suất cho vay nông dân xuống thấp, xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi vùng nông thôn, LienVietPostBank tiếp tục xây dựng Ðề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi có bảo hiểm từ thiện lãi suất giai đoạn 2013 – 2015. Chung quanh việc triển khai đề án này, phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ðức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HÐQT LienVietPostBank.
PV: Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nhiều ngân hàng đã và đang chuyển dịch dòng vốn về địa bàn nông thôn thay vì đẩy mạnh cho vay tại các thành phố lớn như trước đây. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
TS Nguyễn Ðức Hưởng: Nhiều người cho rằng ngân hàng là ân nhân của nông dân nhưng LienVietPostBank lại có quan điểm: Nông dân mới chính là ân nhân của ngân hàng. Cho nông dân vay vốn, đối với ngân hàng, dù vất vả, các khoản vay bị chia thành những món nhỏ, thế nhưng đây lại là giải pháp kinh doanh “bỏ trứng vào nhiều giỏ” chứ không bỏ chung vào một giỏ. Việc cho nông dân vay tưởng như có nhiều rủi ro, nhưng theo tôi, thực chất lại ít rủi ro hơn cho vay ở khu vực thành thị. Bởi vì, nếu có rủi ro thì đó là rủi ro những món nhỏ, thêm nữa nếu được gia hạn, giãn nợ thì khi được mùa, họ lại trả được nợ và ngân hàng vẫn bảo toàn nguồn vốn.
Năm 2009, LienVietPostBank đã xây dựng Ðề án “Ðầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2010 – 2013” nhằm thực hiện chính sách gắn DN với nông dân, cho vay khép kín, giúp nông dân sản xuất lương thực có lãi tối thiểu 30%, góp phần xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Dư nợ cho vay cũng như số lượng khách hàng được vay vốn không ngừng tăng trưởng, đến tháng 6-2013, doanh số cho vay đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt gần 3.000 tỷ đồng. Thông qua Ðề án này của LienVietPostBank, người dân được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, được hỗ trợ trực tiếp, kịp thời, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tại địa phương với gần 15.000 hộ nông dân được vay vốn, chưa tính đến những hộ nông dân được hưởng lợi gián tiếp thông qua các DN.
PV: Giá cả bấp bênh, thiên tai thường xuyên rình rập,… là những nguyên nhân khiến người nông dân không an tâm vay vốn, ngược lại, ngân hàng cũng không dám mạnh dạn trao vốn cho họ. LienVietPostBank đã làm gì để khắc phục tình trạng này?
TS Nguyễn Ðức Hưởng: Trước tình hình các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi gia tăng, mưa lũ, hạn hán thất thường tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, nhiều ngân hàng đã xây dựng các phương án cho vay và kiểm soát sau vay ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, những rủi ro từ cho vay với lĩnh vực NNNT vẫn rất cao. Trong khi đó lại chưa có các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đủ đáp ứng yêu cầu của hàng triệu hộ dân. Ở khu vực nông thôn, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp còn rất hạn chế, gần như mới phát triển ở mức thử nghiệm. Chính vì thế, khả năng trả nợ ngân hàng của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên các ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt và cầm chừng.
Trong bối cảnh này, với quan điểm “Bảo vệ khách hàng là bảo vệ ngân hàng”, LienVietPostBank đã xây dựng Ðề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi có bảo hiểm từ thiện lãi suất giai đoạn 2013 – 2015, trên cơ sở kế thừa các thành công của Ðề án “Ðầu tư tín dụng phát triển NNNT vùng ÐBSCL giai đoạn 2010 – 2013”. Theo đề án này, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) sẽ đứng ra bảo hiểm miễn phí toàn bộ lãi suất tiền vay cho các đối tượng vay vốn nằm trong đề án trên. Qua đó, PTI sẽ hỗ trợ khách hàng vay vốn thông qua việc miễn phí dịch vụ tham gia bảo hiểm lãi vay đối với khách hàng vay vốn và chi trả phần bảo hiểm trong trường hợp khách hàng là hộ nông dân gặp khó khăn khách quan (thiên tai, chủ hộ nông dân bị tai nạn, thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong). Chúng tôi đã xác định dành khoảng từ 10 đến 20 tỷ đồng thực hiện bảo hiểm lãi suất, nhưng qua một thời gian áp dụng thí điểm ở Hậu Giang thì đến nay, chưa có một trường hợp hộ nông dân nào phải đến để giải quyết tiền bảo hiểm.
PV: Theo đồng chí, cần những giải pháp nào để các chương trình tín dụng đầu tư vào NNNT thật sự phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống người nông dân?
TS Nguyễn Ðức Hưởng: Từ kinh nghiệm và bài học của LienVietPostBank, nếu như ngân hàng nào cũng chung tay làm và huy động được nhiều công ty bảo hiểm thực hiện bảo hiểm từ thiện lãi suất cho nông dân thì “Nhà nông an tâm – Ngân hàng an toàn”. Hơn nữa, trong quá trình đi thực tế nhiều địa phương, tôi thấy phải có sự đột phá về tầm nhìn, chính sách và các biện pháp thì khu vực NNNT mới thật sự phát triển bứt phá, nếu không đói nghèo, lạc hậu sẽ tiếp tục là cái vòng luẩn quẩn đè nặng lên hàng chục triệu nông dân.
Cụ thể, tôi cũng đề xuất tám kiến nghị đột phá sau với Ðảng và Chính phủ: Thứ nhất là cho phép tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, khai thác chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Thứ hai là bổ sung, sửa đổi quy định cổ phần hóa trong Luật DN và cần có chính sách cổ phần hóa DN NNNT, trong đó cổ đông nông dân góp ruộng đất vào DN, được coi là có “cổ phần kim cương”, trong trường hợp DN cổ phần thua lỗ hoặc phá sản, người nông dân không mất ruộng đất. Thứ ba là mở các nút thắt, tăng cường hơn nữa việc thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào khu vực NNNT. Các nhà đầu tư sẽ mang đến công nghệ mới, cách thức làm ăn mới để cải tiến các yếu tố lạc hậu đồng thời tạo ra sức ép cạnh tranh. Thứ tư là về chính sách hạn điền, Nhà nước có thể thực hiện chính sách cho thuê đất 100 năm, khi đó cả nhà nông lẫn nhà đầu tư sẽ an tâm sản xuất kinh doanh hơn. Thứ năm là phải có cơ chế kích thích bảo hiểm và bảo hiểm từ thiện vốn vay NNNT. Hiện nay, thị trường bảo hiểm khá phát triển với rất nhiều DN tham gia, cung cấp nhiều sản phẩm bảo hiểm nhưng khu vực NNNT gần như để ngỏ. Thứ sáu là Nhà nước có thể sử dụng một công cụ hữu hiệu để kích thích phát triển NNNT là ưu đãi thuế cho các DN kinh doanh cánh đồng mẫu lớn và các DN tham gia chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh NNNT. Thứ bảy là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không nên hạn chế việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng tại các tỉnh phục vụ NNNT. Cuối cùng là phải có cơ chế bắt buộc các ngân hàng duy trì tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ NNNT (tối thiểu 20%) và chế độ thưởng cho các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay NNNT hơn 35%. Cách ưu đãi này là cách hỗ trợ người nông dân và các DN NNNT từ gốc vì các ngân hàng là kênh bơm vốn chủ yếu cho khu vực NNNT.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()