Bảo hiểm vật nuôi chưa hấp dẫn nông dân
Nhiều hộ chăn nuôi ở Vĩnh Phúc chưa tích cực tham gia bảo hiểm vật nuôi. Thực hiện Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, Vĩnh Phúc là một trong chín địa phương trên cả nước triển khai thí điểm mô hình bảo hiểm vật nuôi giai đoạn 2011-2013.Đây là mô hình nhằm giúp người nông dân giảm rủi ro khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra. Thế nhưng, sau một năm triển khai, số hộ dân tham gia còn rất ít và chương trình này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.Còn nhiều vướng mắcSở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc (Sở NN và PTNT) cho biết: Chín xã của ba huyện Tam Dương, Lập Thạch, Vĩnh Tường là những nơi được tỉnh chọn thực hiện triển khai thí điểm mô hình bảo hiểm vật nuôi với hơn 12 nghìn hộ, 900 nghìn con trâu, bò, lợn, gà được tham gia bảo hiểm; phí bảo hiểm tính cho toàn bộ các đối tượng vật nuôi gần 29 tỷ đồng; trong đó, phí bảo hiểm do ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng, người nuôi đóng gần 11 tỷ đồng. Ước tính...
Nhiều hộ chăn nuôi ở Vĩnh Phúc chưa tích cực tham gia bảo hiểm vật nuôi. |
Đây là mô hình nhằm giúp người nông dân giảm rủi ro khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra. Thế nhưng, sau một năm triển khai, số hộ dân tham gia còn rất ít và chương trình này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Còn nhiều vướng mắc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc (Sở NN và PTNT) cho biết: Chín xã của ba huyện Tam Dương, Lập Thạch, Vĩnh Tường là những nơi được tỉnh chọn thực hiện triển khai thí điểm mô hình bảo hiểm vật nuôi với hơn 12 nghìn hộ, 900 nghìn con trâu, bò, lợn, gà được tham gia bảo hiểm; phí bảo hiểm tính cho toàn bộ các đối tượng vật nuôi gần 29 tỷ đồng; trong đó, phí bảo hiểm do ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng, người nuôi đóng gần 11 tỷ đồng. Ước tính là vậy, và mặc dù tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm đều được hỗ trợ nhưng thực tế chỉ có lượng nhỏ người dân tham gia và chủ yếu là người nghèo. Đến nay, chỉ có 991 hộ nông dân tham gia bảo hiểm, thì có tới 909 hộ nghèo và cận nghèo. Các đối tượng không thuộc diện nghèo và cận nghèo tham gia rất ít, chỉ thu được mức phí là 12,6 triệu đồng trong tổng số hơn 1,7 tỷ đồng phí bảo hiểm của toàn tỉnh.
Xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch là một trong những nơi triển khai thí điểm, nhưng nông dân vẫn tỏ ra khá dè dặt. Là Chủ tịch UBND xã và cũng là chủ trang trại nuôi lợn có quy mô lớn ở Quang Sơn, Lập Thạch, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng: “Lợi ích bảo hiểm nông nghiệp mang lại cho người, vật nuôi khi gặp rủi ro đã rõ. Thế nhưng, những quy định ràng buộc, nhất là quy định về chuồng trại, diện tích, điều kiện ánh sáng, chế độ chăm sóc, quy trình chăn nuôi… là một điều quá khó với người nông dân, nhất là những nông dân thuộc diện hộ nghèo sẽ khó đáp ứng được”.
Theo ông Sơn, ngoài điều kiện ràng buộc người tham gia bảo hiểm, thì mức phí bảo hiểm chưa phù hợp với thực tế. Theo tính toán, nếu tham gia bảo hiểm cho một con lợn thịt, dù đã được Nhà nước hỗ trợ 60%, người dân vẫn phải đóng 120 nghìn đồng/con. Ông Sơn phân tích: “Mức phí bảo hiểm đối với vật nuôi hiện nay còn cao, như đối với lợn thịt theo quy định phải đóng tới 300 nghìn đồng/con, nuôi trong khoảng bốn tháng, trong khi xuất bán trừ chi phí người dân chỉ còn lãi khoảng 100.000 đồng”. Nhiều nông dân nghèo tại ba huyện thực hiện thí điểm cho biết, mặc dù được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ 100% phí đối với hộ nghèo tham gia bảo hiểm, nhưng nhiều gia đình chỉ nuôi được gần 100 con gà thịt. Trong khi quy định, nuôi gà đẻ phải từ 100 con và gà thịt phải từ 200 con trở lên, đã gây thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm. Không chỉ vướng mắc về phí mà ngay cả những quy định để được hưởng bảo hiểm khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh cũng tương đối khắt khe và có nhiều điểm không phù hợp.
Cần điều chỉnh cho phù hợp
Triển khai bảo hiểm nông nghiệp được xem là một trong những phần việc rất quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại, giảm rủi ro cho nông dân. Do đó, nhanh chóng giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thí điểm bảo hiểm vật nuôi tại Vĩnh Phúc được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển sản xuất chăn nuôi tại một trong những tỉnh tỷ lệ chăn nuôi chiếm hơn 50% trong sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế triển khai thí điểm bảo hiểm vật nuôi tại Vĩnh Phúc cho thấy, nhiều vấn đề lớn đã đặt ra cần nhanh chóng tháo gỡ như: Bảo hiểm vật nuôi là lĩnh vực khó thực hiện do chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chưa thật sự phát triển sản xuất hàng hóa và chưa có mô hình cụ thể; giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm chăn nuôi được tính theo cơ chế thị trường, cùng với mức phí bảo hiểm đối với các đối tượng vật nuôi tham gia bảo hiểm còn cao, vì vậy người chăn nuôi không muốn tham gia bảo hiểm ngoài… hộ nghèo! Theo Thông tư 47/2011/TT-BNN và PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì loại bệnh tham gia bảo hiểm ít, trong khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên tiểu vùng nếu không được Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch sẽ không được bồi thường. Trong khi đó, cấp tỉnh chỉ công bố thiên tai, dịch bệnh với mức độ và phạm vi có tính chất rộng lớn và nguy hiểm, điều này làm ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, thuyết phục địa phương và người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Để triển khai thực hiện tốt thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vật nuôi, cùng với việc nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Như Ý: Việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm vật nuôi vẫn là biện pháp chính, trong đó chủ yếu tuyên truyền đi vào quyền lợi của nông dân, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện thông tin khác nhau. Ngoài ra, các quy định về mức đóng phí, thủ tục đền bù thiệt hại, phạm vi bảo hiểm… cần phải tính toán hợp lý, triển khai sâu rộng để mọi người dân hiểu và cùng tham gia.
Theo Nhandan
Ý kiến ()