Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Chế biến cao-su xuất khẩu tại Nhà máy cao-su Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: CAO THĂNG Trong cơ cấu kinh tế của nước ta hiện nay, hoạt động xuất khẩu (XK) đóng vai trò quan trọng, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, hoạt động XK tại Việt Nam hiện gặp một số khó khăn nhất định, trong đó có vấn đề không thu được tiền thanh toán của hàng hóa, dịch vụ đã xuất khẩu.Theo kết quả khảo sát từ 200 thương nhân XK, có tới 68% số doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) gặp phải các rủi ro trong thanh toán tài chính. Từ đó, nhu cầu quản lý và bảo hiểm các rủi ro này nhằm bảo đảm an toàn tài chính cho DNXK đang ngày càng tăng. Để hiện thực hóa nhu cầu quản lý và giảm rủi ro này thì loại hình dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) là một trong những giải pháp thích hợp bởi đây là loại hình bảo hiểm (BH) được thực hiện nhằm bồi thường tổn thất về tài chính cho DNXK khi nhà nhập...
|
Theo kết quả khảo sát từ 200 thương nhân XK, có tới 68% số doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) gặp phải các rủi ro trong thanh toán tài chính. Từ đó, nhu cầu quản lý và bảo hiểm các rủi ro này nhằm bảo đảm an toàn tài chính cho DNXK đang ngày càng tăng. Để hiện thực hóa nhu cầu quản lý và giảm rủi ro này thì loại hình dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) là một trong những giải pháp thích hợp bởi đây là loại hình bảo hiểm (BH) được thực hiện nhằm bồi thường tổn thất về tài chính cho DNXK khi nhà nhập khẩu không thanh toán được khoản nợ. Loại hình bảo hiểm này đã được nhiều nước trên thế giới triển khai từ rất lâu.
Tổng Thư ký Hiệp hội cao-su Việt Nam Trần Thị Thúy Hoa cho biết, hiện ngành cao-su có khoảng 100 DNXK đến hơn 45 quốc gia, sản lượng cao-su Việt Nam XK dự kiến sẽ tăng gấp hai lần, khoảng từ 1 đến 1,2 triệu tấn vào năm 2020, vì vậy, nhu cầu mở rộng thị trường mới và nguồn khách hàng mới rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều DNXK cao-su vẫn chưa thực hiện vì tính rủi ro cao trong thanh toán, trong khi đó, tuy Hiệp hội đã có Quỹ bảo hiểm XK nhưng quỹ này cũng chưa triển khai được hoạt động giúp các DN hội viên tránh khỏi rủi ro về giá. “Ngành cao-su cần BHTDXK vì đây là hình thức giúp cho các nhà XK Việt Nam không bị rủi ro về vốn. Nếu được BH về tín dụng XK, chúng tôi an tâm hơn trước các rủi ro” – bà Hoa khẳng định. Cùng quan điểm này, một chuyên gia Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, với lợi thế giúp DNXK tăng khả năng đi vay từ các tổ chức tín dụng (với tỷ lệ được vay lên tới 85% giá trị hợp đồng), BHTDXK sẽ giúp các DN có thêm cơ hội tăng nguồn vốn, tăng lượng hàng hóa, dịch vụ XK.
Nhận thức thì như vậy, nhưng việc hiện thực hóa những nhận thức này trong thực tế thì còn nhiều vấn đề vướng mắc. Theo đánh giá của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thì dù gặp nhiều rủi ro thương mại nhưng cho tới hiện tại, chưa có DN Việt Nam nào tham gia BHTDXK mà mới chỉ có các DN có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam ký kết thực hiện các hợp đồng BHTDXK, và số lượng hợp đồng cũng rất ít. Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho tới nay, mới có 14 hợp đồng BHTDXK đã ký kết với số tiền BH khoảng 80 triệu USD. So với kim ngạch XK chín tháng đầu năm 2011 vào khoảng 70 tỷ USD thì giá trị được BH mới đạt tỷ lệ 0,11% kim ngạch XK.
Có thể đơn cử như ở Tổng công ty cổ phần (TCTCP) Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), sau hai năm triển khai, đến nay, PVI đã ký được một hợp đồng BHTDXK với Công ty BBDO Việt Nam – thành viên của Tập đoàn truyền thông và quảng cáo lớn trên thế giới Omnicom. Tại TCTCP Bảo Minh, 100% số hợp đồng BHTDXK của DN này đều là của các công ty đa quốc gia đang có mặt trên thị trường Việt Nam (như Mitsui Sharp, Thssenkrup, Nutriway, Schneider Vietnam…). Hoặc tại Công ty TNHH bảo hiểm QBE Việt Nam, hai hợp đồng BHTDXK đã được ký kết cũng là của hai DN có yếu tố nước ngoài.
Tại sao cả DNXK và DNBH đều có nhu cầu về loại hình BH này, nhưng lại rất khó triển khai ra diện rộng một cách có hiệu quả? Trả lời câu hỏi này, số đông các lãnh đạo DNXK được hỏi đều cho rằng, trong một số lĩnh vực XK (như mặt hàng gạo) thì DN đã và đang có một số hình thức hỗ trợ XK an toàn nên không phát sinh nhiều rủi ro trong thanh toán quốc tế, do đó, DN không có nhu cầu BHTDXK. Hơn nữa, trong tình hình hiện tại, DN gặp quá nhiều khó khăn về vốn nên cũng không muốn mất thêm chi phí BH. Trên một góc độ khác, số liệu của cơ quan quản lý nhà nước cho biết, nhận thức của các DNXK Việt Nam về BHTDXK còn rất hạn chế, chưa hình thành thói quen và nhu cầu đối với loại hình BH này khi có tới 78% số DNXK được điều tra cho biết, chỉ muốn BH cho rủi ro thương mại thông thường, 10% số DNXK muốn BH rủi ro chính trị, chỉ có 12% số DNXK là muốn tham gia các hình thức rủi ro khác trong XK (như biến động về giá hàng hóa, tỷ giá).
Không chỉ có các DNXK Việt Nam chưa mặn mà với hình thức BHTDXK mà ngay cả các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cũng không nhiệt tình triển khai. Có thể thấy rõ điều này khi tất cả 29 DNBH phi nhân thọ ở Việt Nam đều được phép triển khai loại hình này nhưng hiện mới có bốn DNBH đang trong giai đoạn bắt đầu. Phó Tổng giám đốc PVI Phạm Anh Đức cho rằng, cái khó của DNBH đối với loại hình BH này là ở chỗ, khác với BH thương mại truyền thống (vốn phụ thuộc rất lớn vào công tác quản trị rủi ro) thì BHTDXK lại phụ thuộc rất lớn vào bên thứ ba. Hơn nữa, các DNBH hoạt động theo mục tiêu lợi nhuận nên việc cân nhắc có triển khai loại hình BH mới này cũng phải rất thận trọng, bởi chỉ có DN đã gặp rủi ro mới tìm gặp DNBH để yêu cầu BHTDXK, do đó, nếu nhận BH thì xác suất xảy ra tổn thất là rất lớn, không bù đắp được chi phí, không hấp dẫn các DNBH.
Mặt khác, việc đầu tư để có đủ điều kiện triển khai BHTDXK cũng rất tốn kém (đơn cử như trường hợp đối tác nước ngoài của Bảo Việt yêu cầu phí tư vấn vào khoảng 219.600 ơ-rô, tương đương khoảng 5,73 tỷ đồng đã khiến Bảo Việt chưa quyết định đầu tư khi không biết có thu được lợi nhuận bù đắp hay không) cũng khiến các DNBH chưa dám mạo hiểm với sản phẩm này. “Đó là chưa kể tới việc DNBH phải có hệ thống công nghệ thông tin tốt, dữ liệu về rủi ro đa dạng đối với từng quốc gia, từng lĩnh vực ngành hàng, mạng lưới giao dịch lớn, có mối quan hệ để thẩm định khách hàng nước ngoài, có khả năng thu xếp tái bảo hiểm, nguồn nhân lực phải có kinh nghiệm chuyên sâu… thì mới triển khai được sản phẩm BHTDXK. Có nghĩa là DN phải đầu tư rất nhiều, trong khi chưa chắc chắn có thể thu hồi được các khoản đầu tư này” – ông Phạm Anh Đức chia sẻ.
Ngoài những vướng mắc về phía DNXK và DNBH, còn có những vướng mắc về phía các tổ chức tín dụng bởi tuy hoạt động BHTDXK có liên quan chặt chẽ với ngân hàng nhưng các ngân hàng cũng chưa yêu cầu DNXK phải có BHTDXK như một khoản bảo đảm tiền vay. Rõ ràng là sự phối hợp, gắn kết giữa ngân hàng và DNBH trong BHTDXK chưa được quan tâm.
Trong điều kiện phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay, cùng với các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và tự quản lý rủi ro, việc thực hiện BHTDXK là cần thiết. Giải pháp này giúp các DNXK tăng khả năng đi vay để đầu tư cho sản xuất, phục vụ xuất khẩu đồng thời cung cấp nhiều giải pháp tư vấn, kiểm soát rủi ro, thông tin về nhà nhập khẩu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những thực tế nêu trên, để hỗ trợ hoạt động XK của Việt Nam trong thời gian tới, việc Nhà nước có chính sách để phát triển BHTDXK là cần thiết và phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trong giai đoạn đầu khi phát triển BHTDXK. Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc WTO thì đối với các DNBH triển khai BHTDXK – cho dù là phục vụ mục tiêu thúc đẩy XK của Nhà nước – cũng phải thực hiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()