Bảo hiểm thất nghiệp “Bạn đồng hành” của người lao động
(LSO) – Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) áp dụng bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động từ năm 2009. Qua hơn 10 năm thực hiện, chính sách này đã thực sự phát huy hiệu quả. Theo đó, NLĐ tham gia BHTN khi không có việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp; được hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Chị Hoàng Thị Hoài, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng đi làm việc tại công ty điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được hơn 2 năm. Vừa qua, chị muốn về làm việc gần nhà nên đã xin nghỉ việc. Chị Hoài cho biết: Sau khi nghỉ việc, tôi đã đến Phòng BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm một công việc phù hợp. Được cán bộ tư vấn tận tình nên tôi đã nhanh chóng hoàn thiện mọi thủ tục và được tư vấn làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Bộ phận “một cửa” BHXH tỉnh
Anh Hà Văn Tá, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc có 67 tháng đóng BHTN. Sau khi nghỉ việc, anh đã đến các ngành chức năng làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Anh Tá chia sẻ: Công ty cắt giảm nhân công, trong đó có tôi, bỗng nhiên đang có thu nhập ổn định lại trở thành thất nghiệp. Cũng may có trợ cấp BHTN nên đã giúp tôi vượt qua khó khăn trong những ngày tháng đi tìm công việc mới.
Trường hợp chị Hoài, anh Tá là hai trong rất nhiều NLĐ đã được hỗ trợ nhờ chính sách BHTN. Trên thực tế hơn 10 năm triển khai cho thấy chính sách BHTN đã thực hiện theo đúng nguyên tắc chia sẻ, hỗ trợ giữa những người tham gia BHTN. Các đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng tăng qua từng năm. Nhiều doanh nghiệp đã hiểu đúng vai trò, vị trí của BHTN đem lại lợi ích cho họ. Cụ thể như: doanh nghiệp không phải chi trả trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, giảm bớt khó khăn về mặt tài chính. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tham gia BHTN, sự gắn bó của NLĐ với doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Còn đối với NLĐ, ngoài trợ cấp thất nghiệp, họ còn được tư vấn, hỗ trợ việc làm. Nhiều trường hợp NLĐ được hỗ trợ học nghề đã có việc làm mới, thu nhập cao hơn.
Bà Hoàng Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Trong quá trình tổ chức thực hiện, có hai ưu điểm của chính sách cần nhấn mạnh, đó là thông tin về thị trường lao động cho NLĐ và 100% lao động thất nghiệp hưởng chế độ BHYT trong thời gian thất nghiệp. Điều này có ý nghĩa thiết thực cho NLĐ, bảo đảm họ có thể khám, chữa bệnh ngay cả khi mất việc làm.
Thời gian vừa qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan như: Sở LĐTB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Bưu điện tỉnh ban hành hướng dẫn và ký kết quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn, góp phần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, các đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện hiệu quả, kịp thời chế độ cho NLĐ.
Ông Trịnh Xuân Đông, Trưởng Phòng Chế độ BHXH, BHXH tỉnh cho biết: Từ năm 2009 đến hết năm 2019, BHXH tỉnh đã chi trả cho gần 24 nghìn lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, năm 2019 đã chi trả cho trên 4,8 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng. Bên cạnh kết quả thì trong quá trình thực hiện chính sách BHTN, chúng tôi còn gặp một số khó khăn như: nhận thức của một số NLĐ và người sử dụng LĐ về chính sách BHTN còn hạn chế, còn có đơn vị để nợ đọng BHTN; việc xác định NLĐ chưa tìm được việc làm trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng gặp khó khăn; một số NLĐ tìm được việc làm mới hoặc chuyển đi nơi khác làm việc nhưng không khai báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm; phần lớn NLĐ chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa chú ý đến quyền được giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề.
Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong năm 2019 có 5.376 người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 5 người được hỗ trợ học nghề. So với năm 2018 thì số lao động được hỗ trợ học nghề năm 2019 chỉ đạt 29,41% (năm 2018 hỗ trợ được 17 người học nghề). Điều này cho thấy, chính sách hỗ trợ học nghề để NLĐ chuyển đổi nghề nghiệp nhằm sớm quay lại thị trường lao động và nghề được hỗ trợ đào tạo chưa thực sự thu hút NLĐ thất nghiệp, chính vì vậy, số người được hỗ trợ học nghề rất ít.
Để chính sách BHTN thực sự là “bạn đồng hành” với NLĐ, trong thời gian tới, BHXH tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị phối hợp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến người sử dụng lao động và NLĐ về chính sách BHTN. Đồng thời quan tâm hơn tới công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mới cho NLĐ. Cùng với đó, xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của hai bên nhằm tăng cường sự liên kết. Tin rằng, với những nỗ lực đó, chính sách BHTN sẽ tiếp tục đi vào cuộc sống, được NLĐ và doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()