Bạo hành y tế: Sức chịu đựng của bác sĩ cũng chỉ có giới hạn
Trước nạn bạo hành y tế chưa có dấu hiệu chấm dứt, các bác sĩ khẳng định họ vẫn phải sống và làm việc vì người bệnh. Tuy vậy, sức chịu đựng của bác sĩ cũng có giới hạn và đó là điều mà tất cả chúng ta đều phải ghi nhớ!.
Theo Công đoàn y tế Việt Nam, con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước đã xảy ra 18 vụ bạo hành cán bộ y tế, trong khi năm 2017 có 13 vụ, và trong giai đoạn 2014-2016 chỉ có 12 vụ được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng
Và có một thực tế đáng buồn bởi đây chỉ là con số bề nổi được phát hiện và báo chí đưa tin, còn hàng trăm vụ bạo hành y tế mà nhân viên y tế thầm lặng chịu đựng hoặc không báo cáo.
Điển hình của những vụ bạo hành tinh thần đối với bác sĩ đó là vụ việc mới đây nhất xảy ra hồi đầu tháng 11/2018 khi 5 y bác sĩ trong kíp trực tại Trung tâm y tế huyện Kim Thành, Hải Dương hiến máu cứu một sản phụ bị đờ tử cung nhưng sau đó người nhà sản phụ vẫn quay ra chửi bới, doạ nạt nhân viên y tế. Do có rất đông người nhà chửi bới ầm ĩ, vừa chửi vừa giằng lấy giấy chuyển viện trên tay bác sĩ nên khi bị chửi bới, doạ dẫm, các bác sĩ trong ca trực không đủ sức để giải thích, chỉ biết im lặng.
Vụ việc tiếp theo xảy ra vào cuối tháng 11/2018 khi một nhóm thanh niên mình trần, xăm trổ, cầm theo hung khí, hung hăng truy sát một bệnh nhân vào viện cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam vào tối 27/11. Nhiều thiết bị y tế và cửa kính của khoa đã bị các đối tượng đập phá. Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho hay, sự việc này xảy ra đã gây tâm lý hoang mang cho các nhân viên y tế và bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Và ngay trong sáng 28/11, Khoa Cấp cứu đã làm báo cáo gửi lên Giám đốc Bệnh viện, tường trình sự việc và đề nghị có biện pháp đảm bảo an toàn cho khoa bởi đây là lần thứ 4 kể từ đầu năm đến nay tại Khoa Cấp cứu xảy ra tình trạng gây rối, hành hung nhân viên y tế.
![](http://dangcongsan.vn/DATA/0/2018/12/benh_nhan_kham_cc_vd-09_48_35_417.jpg)
Có thể nói, bạo hành nhân viên y tế chưa có dấu hiệu giảm sút và không ngoa khi nói rằng bạo hành còn gia tăng như cơm bữa. Đây cũng chính là mối lo mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng bày tỏ: “Một trong những vấn đề mà tôi quan tâm và trăn trở nhất hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc”.
Ngoài những vụ hành hung thân thể, các thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi hành hung khác về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa. Có một thực tế đáng buồn là đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ, hay những đối tượng có tiền án, tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.
Danh dự, nhân phẩm, thậm chí cả tính mạng của đội ngũ y tế – một người mà phút trước là ân nhân, giờ thành tội đồ bị lấy đi như vậy, thật là đáng buồn. Đặc biệt, bác sĩ sẽ chẳng có tinh thần, đầu óc nào nếu vừa làm việc vừa bị đe dọa, vừa đau đáu nỗi lo có thể trở thành… bệnh nhân ngay lập tức. Và khi điều này xảy ra, chắc chắn rằng người thiệt thòi đầu tiên sẽ là người bệnh.
Thông thường chúng ta vẫn thấy, sau mỗi vụ hành hung bác sĩ, dư luận lại dậy sóng bất bình. Liên tục những vụ việc hành hung bác sĩ xảy ra đã buộc Bộ Y tế có văn bản gửi các bệnh viện phải có giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân viên y tế của mình.
Tất nhiên cơ quan công an cũng đã vào cuộc, những kẻ hành hung đều bị bắt và xử lý theo pháp luật. Thế nhưng, những vụ việc ấy rồi sẽ dần bị quên lãng, cho đến khi vụ việc tiếp theo xảy ra, chúng ta mới lại giật mình trước mối hiểm nguy hiện hữu ngay bên cạnh những người thầy thuốc.
Không thể không đặt câu hỏi có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?. Đây là vấn đề cần giải quyết, cũng là việc làm thiết thực nhất trong dịp hướng tới kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng thốt lên rằng “Bao nhiêu nỗ lực của ngành y, của các đồng nghiệp và của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn tệ nạn này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Thất vọng vì người thầy thuốc vẫn lẻ loi trong hành trình cứu người của mình”.
Người đứng đầu ngành y đã buộc lòng phải lên tiếng: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực”.
Đội ngũ y, bác sĩ cũng cần được… cấp cứu, chữa trị khỏi tình trạng trên bởi sức chịu đựng của bác sĩ cũng chỉ có giới hạn. Câu chuyện có thật là nhiều y, bác sĩ bày kế đầy hài hước và chua xót là “ngoài việc nâng cao chuyên môn, nâng cao y đức thì phải học võ để tự vệ”!.
Đây chắc chắn không phải là cách giải quyết vấn đề. Mà điều quan trọng trước tiên là pháp luật phải đủ mạnh, nghiêm minh. Hiện nay, chúng ta đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để bảo vệ cho thầy thuốc, nhân viên y tế trong khi đang thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, chi tiết hơn về các biện pháp ngăn chặn, xử lý những người có hành vi xâm phạm danh dự, an toàn, sức khỏe của những người hành nghề y.
Hơn nữa, nhiều y, bác sĩ bày tỏ mong mỏi xây dựng ban hành Luật phòng chống bạo hành nhân viên y tế. Đồng thời cần có quy định rõ ràng về việc tổ chức lực lượng chuyên nghiệp để bảo vệ cho cơ sở khám chữa bệnh.
Sứ mệnh của thầy thuốc là chữa bệnh cứu người nhưng chính họ cũng cần được bảo vệ. Không có lí gì khi chính những thầy thuốc lại bị đổ máu khi đang làm nhiệm vụ nhân văn cao cả là chữa bệnh cứu người.!./.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()