Bao giờ gạch không nung có chỗ đứng trên thị trường?
Theo báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, sau bốn năm thực hiện Chương trình theo Quyết định số 567/QÐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), tổng công suất thiết kế vào ba loại sản phẩm chính, gồm: gạch xi-măng cốt liệu, gạch bê-tông khí chưng áp (AAC) và gạch bê-tông bọt đạt 6 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC), trong đó có 13 nhà máy sản xuất AAC, 17 nhà máy sản xuất bê-tông bọt, hơn 1.000 dây chuyền sản xuất gạch xi-măng cốt liệu công suất hơn 10 triệu viên QTC/năm và một số chủng loại VLXKN khác. Các nhà máy sản xuất ra sản phẩm có chất lượng ổn định, như vậy, đến hết năm 2013, tổng công suất đầu tư VLXKN đã hoàn toàn bảo đảm cung cấp sản phẩm đạt và vượt mục tiêu của Chương trình.
Có thể thấy, năng lực sản xuất gạch không nung (GKN) đạt khá cao, nhưng việc sản xuất, sử dụng GKN lại gặp nhiều khó khăn. Trong khi các dây chuyền gạch xi-măng cốt liệu và AAC đã từng bước tiếp cận được thị trường, nhất là gạch xi-măng cốt liệu tăng khoảng 25% trong năm 2014, nhiều dây chuyền gạch bê-tông bọt chỉ sản xuất cầm chừng, đa số đạt 20 – 30% công suất, tiêu thụ “ì ạch” 50 – 60% sản lượng, thậm chí một số doanh nghiệp không tiêu thụ được nên đã phải ngừng sản xuất. Lý giải điều này, đại diện các bộ, ngành nhận định, một phần do thói quen tiêu dùng của người dân vẫn ưa thích sử dụng gạch đất sét nung (GÐSN) và mặc dù xét tổng thể cả công trình sử dụng GKN hiệu quả hơn, nhưng tính riêng rẽ giá thành 1 m2 GKN vẫn đắt hơn 1 m2 GÐSN do nguyên liệu đốt khá tùy tiện (từ than, củi, cây rừng…), cho nên giá thành rẻ, chất lượng không đồng đều. Ðồng thời một số địa phương còn dễ dãi, buông lỏng trong công tác quản lý tài nguyên và chưa tuân thủ triệt để lộ trình xóa bỏ dần các lò gạch thủ công, cho nên vấn đề sản xuất, tiêu thụ GÐSN đến nay vẫn chưa được giải quyết “đến nơi đến chốn”. Một số địa phương vào cuộc mạnh mẽ nên công tác sản xuất, tiêu thụ GKN tốt như: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… nhưng cũng có địa phương còn khá chậm trễ trong công tác này, đơn cử là Hà Nội, Ðà Nẵng, Quảng Bình…
Hiện nay, các cơ sở pháp lý liên quan đến sử dụng GKN đối với các công trình xây dựng khá đầy đủ, từ thiết kế, thi công đến quy định bắt buộc sử dụng, cũng như một số chế tài xử phạt, tuy nhiên vẫn còn dự án xây dựng chưa áp dụng các quy định này. Quan điểm của Bộ Xây dựng không chấp nhận dừng sử dụng GKN và vừa có văn bản đốc thúc các địa phương tăng cường quản lý, xử phạt các công trình vi phạm. Thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn và hướng dẫn, kiểm tra giám sát các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công thực hiện đúng các quy định tại Quyết định 567, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng GÐSN và Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Rà soát, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN. Hằng tháng, hằng quý, xây dựng và công bố giá các sản phẩm VLXKN trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương. Sở Xây dựng cần tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch tăng cường sử dụng VLXKN và lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng GÐSN và chấm dứt sản xuất GÐSN bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chất lượng tại một số dây chuyền GKN nhằm hạn chế “tiếng xấu”, từng bước tạo chỗ đứng vững chắc cho loại sản phẩm này trên thị trường.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()