Bao dung, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp các nước vượt qua thách thức
Ngày 25/5, tại New York, Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phật đản VESAK đã được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thái Lan và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Srilanka tại Liên Hợp Quốc (LHQ).
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phật đản. |
Đây là sự kiện thường niên của LHQ kể từ năm 1999 khi Đại Hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 54/115 về việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Phật đản (VESAK) hằng năm nhằm ghi nhận đóng góp của Phật giáo, một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, đối với đời sống tâm linh của con người, cũng như đối với nỗ lực chung của cộng động quốc tế vì hòa bình, hợp tác, hòa hợp và phát triển.
Theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại buổi lễ có Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Srilanka, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và đại diện các nước thành viên LHQ và một số tăng ni, phật tử quốc tế.
Tại lễ kỷ niệm, các phát biểu đều cho rằng, lời dạy và thông điệp của Đức Phật về chung sống trong hòa bình, hòa hợp có đóng góp quan trọng, giúp ngăn ngừa sự cực đoan và xung đột.
Các phát biểu cũng nhấn mạnh sự bao dung, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp các nước vượt qua các thách thức, trong đó có đại dịch COVID-19, xây dựng lại thế giới tốt hơn sau đại dịch. Trí tuệ và triết lý sống của Đức Phật sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho mọi hành động.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho rằng, những lời dạy và thông điệp của Đức Phật về chung sống trong hòa bình, hòa hợp, từ bi, không bạo lực và khoan dung đã lay động hàng triệu người vì đây không chỉ là những thành tố quan trọng của tôn giáo mà còn là triết lý sống, góp phần thúc đẩy sự tôn trọng tính đa dạng và lòng khoan dung.
Lời dạy còn là những yếu tố cốt yếu trong việc tìm ra các điểm tương đồng cũng như giải pháp trong giải quyết các mối đe dọa và thách thức chung.
Để tôn vinh trí tuệ của Đức Phật, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy các giá trị cốt lõi của Phật giáo cũng như tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, các nền văn hóa; cùng nhau đưa những giá trị tốt đẹp của đạo Phật vào cuộc sống và tái khẳng định các cam kết về xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển.
Theo đó, mỗi người nên là một sứ giả của Đức Phật, cùng góp phần đẩy lùi xung đột, khổ đau và tạo nên “Cõi Niết bàn trong thế giới thực”.
Ý kiến ()