Báo động về tình trạng thất học của trẻ em di cư
Theo một báo cáo vừa được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 15/9, hơn một nửa (3,7 triệu) trong số 6 triệu trẻ em di cư đang ở độ tuổi đến trường đã không được đi học.
Báo cáo nêu rõ, khoảng 1,75 triệu trẻ em di cư không được học tiểu học và 1,95 triệu thiếu niên di cư không được học tập trong các cơ sở đào tạo bậc trung học. Những trẻ em di cư có nguy cơ thất học cao hơn gấp 5 lần so với mức trung bình của thế giới.
“Điều này chính là một cuộc khủng hoảng đối với hàng triệu trẻ em di cư” – ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết. “Giáo dục cho người tị nạn đã đặc biệt bị bỏ quên, trong khi đó là một trong những cơ hội hiếm hoi mà chúng ta có để thay đổi, xây dựng thế hệ tương lai và cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người di cư trên thế giới”.
Báo cáo so sánh thống kê của UNHCR về giáo dục cho người tị nạn với số liệu tổng hợp của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) về việc nhập học chung. Theo đó, chỉ có 50% trẻ em tị nạn được tiếp cận với giáo dục tiểu học, so với mức trung bình toàn cầu là 90%. Và khi những đứa trẻ này lớn lên, khoảng cách đã trở thành một vực thẳm: chỉ có 22% số thiếu niên tị nạn được đến trường trung học so với mức trung bình toàn cầu là 84%. Ở cấp độ của giáo dục đại học, chỉ có 1% những người tị nạn được học đại học, so với mức trung bình toàn cầu là 34%.
Báo cáo vừa được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn công bố ngay trước cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến diễn ra vào ngày 19 và 20/9 sắp tới tại Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc về người tị nạn và người di cư, cũng như Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu do Mỹ chủ trì tổ chức.
Tại hai hội nghị sắp tới, UNHCR sẽ kêu gọi các chính phủ, các nhà tài trợ, các cơ quan nhân đạo và các đối tác phát triển cũng như các đối tác tư nhân cùng củng cố và gia tăng cam kết để mỗi trẻ em đều được hưởng một nền giáo dục có chất lượng.
Trong vòng 10 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, tổng số người tị nạn đang ở độ tuổi đến trường ổn định ở mức 3,5 triệu người. Song kể từ năm 2011, con số này đã tăng trung bình 600.000 trẻ em và thiếu niên mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2014, số người tị nạn trong độ tuổi đến trường đã tăng 30%. Với mức tăng như vậy, UNHCR ước tính mỗi năm trung bình cần thêm ít nhất 12.000 phòng học và 20.000 giáo viên.
Những người tị nạn thường sống trong các khu vực, nơi chính phủ gặp nhiều khó khăn trong giáo dục cho trẻ nhỏ. Họ cũng phải đối mặt với những trọng trách nặng nề để có thể tìm được trường học, giáo viên được đào tạo và cơ sở học tập cho hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người mới tới, vốn thường không nói được ngôn ngữ giảng dạy và thiếu từ 3 – 4 năm học. Hơn một nửa số thiếu nhi và thiếu niên di cư trên khắp thế giới ở tại 7 nước: Tchad, Cộng hòa dân chủ Congo, Ethiopia, Kenya, Lebanon, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên quan tới Syria, báo cáo chỉ rõ thực trạng cuộc xung đột có thể làm đảo ngược những xu hướng tích cực về giáo dục. Vào năm 2009, 94% trẻ em Syria đã đăng ký vào trường tiểu học và trung học. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, chỉ 60% số trẻ em được đến trường tại Syria, để lại 2,1 triệu thiếu nhi và thiếu niên không được tiếp cận với giáo dục tại quốc gia này.
Tại các nước láng giềng, UNHCR thống kê hơn 4,8 triệu người tị nạn Syria và trong số đó khoảng 35% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ 39% trẻ em và thiếu niên di cư trong độ tuổi đến trường được đăng ký vào một cơ sở đào tạo tiểu học và trung học, trong khi tỷ lệ này chỉ là 40% tại Lebanon và 70% tại Jordan. Điều này đồng nghĩa với việc gần 900.000 thiếu nhi và thiếu niên tị nạn Syria trong độ tuổi đi học mà không được đến trường./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()