Báo động về nồng độ hóa chất vĩnh cửu trong nước ở Bangladesh
The Guardian dẫn kết quả nghiên cứu mới cho biết, sông, hồ và nước máy tại các khu vực có nhà máy dệt ở Bangladesh đang tràn ngập hóa chất vĩnh cửu (PFAS) ở mức độ nguy hiểm, gây các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Trong nghiên cứu được thực hiện ở Bangladesh, trung tâm cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu thời trang quốc tế, PFAS đã được tìm thấy trong 27 mẫu nước gần các nhà máy dệt ở thủ đô Dhaka. Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển Môi trường và Xã hội (ESDO) và Ipen-một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ, trong nhiều mẫu nước được lấy vào các năm 2019 và 2022, nồng độ PFAS cao hơn nhiều so với mức giới hạn do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đặt ra, trong đó, một số mẫu có chứa 1 hoặc nhiều hóa chất bị cấm trên toàn cầu. Các mẫu nước có nồng độ PFAS cao thường thấy ở những khu vực gần các nhà máy dệt.
Ông Shahriar Hossain, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Bangladesh là một quốc gia nhỏ với dân số đông. Sông, hồ là nguồn cung cấp nước chính cho tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp và sinh hoạt. Chúng tôi nhận thấy nhiều nguồn nước ở Bangladesh bị ô nhiễm hóa chất có độc tính cao và cho rằng đây là một vấn đề lớn cần được giải quyết”. Về phần mình, bà Siddika Sultana, Giám đốc điều hành của Esdo ở Bangladesh cho biết: “Bangladesh là một trung tâm sản xuất dệt may quốc tế và sự phổ biến của chất thải độc hại từ lĩnh vực này khiến người dân gặp rủi ro cao. Ngành công nghiệp xuất khẩu thời trang không nên được phép làm ô nhiễm sông, hồ và nguồn nước bằng PFAS”.
PFAS là một nhóm gồm khoảng 10.000 hóa chất có liên quan đến nhiều loại bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả một số bệnh ung thư. Chúng đã được sử dụng trong sản xuất và bổ sung vào các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày từ thập niên 1950. PFAS được gọi là hóa chất vĩnh cửu vì các nhà khoa học cho biết, chúng có thể mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm để phân hủy sau khi các sản phẩm sử dụng chúng bị vứt bỏ. Nếu PFAS bị rò rỉ vào nước, chúng có thể tồn tại trong nước suốt nhiều thế kỷ. Ngành dệt may chiếm tới 50% tổng lượng PFAS sử dụng trên toàn cầu.
Ý kiến ()