Báo động tình trạng xe mô tô gây tai nạn nghiêm trọng
LSO-Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong tháng 8/2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông làm 7 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2013, tăng 4 vụ, tăng 4 người chết, tăng 2 người bị thương. So với tháng 7/2014, tăng 3 vụ, tăng 3 người chết, tăng 1 người bị thương. Đây là những con số biết nói, báo động về tình trạng tai nạn giao thông gia tăng cả 3 tiêu chí. Đáng chú ý là 100% số vụ đều là tai nạn nghiêm trọng và phương tiện gây tai nạn là xe mô tô.
Tuần hành tuyên truyền ATGT trên địa bàn thành phố Lạng Sơn |
Thiếu tá Hoàng Văn Đức, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: các vụ tai nạn xảy ra đều không nằm trên địa bàn lực lượng chức năng tập trung kiểm soát như thành phố, thị trấn, thị tứ, quốc lộ mà tập trung ở khu vực nông thôn. Cụ thể trong 7 vụ tai nạn thì có đến 6 vụ xảy ra trên địa bàn tuyến huyện, tỉnh lộ, quốc lộ do huyện quản lý. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là do người điều khiển xe mô tô chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, say rượu bia, không có giấy phép lái xe, thiếu ý thức tự bảo vệ mình và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông khác. Ý thức kém không chỉ gây tai nạn cho bản thân mà còn mất an toàn cho các phương tiện khác. Điển hình như vụ tai nạn vào hồi 12 giờ ngày 10/8 tại km 42 400 tỉnh lộ 234, thuộc địa bàn xã Quang Lang, huyện Chi Lăng do ông Đỗ Văn Lượng, 56 tuổi, trú tại Liên Phượng, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng điều khiển xe mô tô BKS 12H1- 03784 với xe mô tô BKS 30Z9 – 5471 do Hoàng Văn Mạnh 21 tuổi trú tại thôn Mỏ Cấy, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng điều khiển, chở theo Hà Anh Tuấn 18 tuổi trú tại khu Hòa Bình I, thị trấn Đồng Mỏ. Hậu quả Đỗ Văn Lượng tử vong tại chỗ, Tuấn và Mạnh bị thương nặng. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do ông Lượng chuyển hướng nhưng không chú ý quan sát, Mạnh vẫn đi với tốc độ cao.
Qua phân tích những vụ tai nạn gần đây cho thấy hầu hết người điều khiển phương tiện gây tai nạn đều có sử dụng rượu bia. Đây là thói quen khó bỏ của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Dẫu biết khi quá chén điều khiển phương tiện là mất an toàn nhưng nhiều người vẫn bất chấp, nhất là những ngày có đám cưới, ngày chợ, lễ tết, tình trạng điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia diễn ra phổ biến. Khi đã uống rượu bia, người điều khiển thường chạy với tốc độ cao. Gặp tình huống bất ngờ không kịp xử lý nên dẫn đến tai nạn mà hậu quả thường gây tử vong hoặc bị thương nặng. Cũng phải nói rằng, nhiều bậc phụ huynh còn buông lỏng quản lý phương tiện, giao xe cho người chưa có giấy phép, chưa đủ tuổi điều khiển. Do chưa được đào tạo bài bản các kỹ năng lái xe, xử lý tình huống, dự báo nguy hiểm trên đường nên người chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép điều khiển phương tiện lưu thông trên đường rất dễ gây tai nạn. Vừa qua đã có trường hợp trẻ vị thành niên (13 tuổi) điều khiển xe mô tô tự đâm vào cọc tiêu bên đường dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều đoạn đường xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời, nhiều người lưu thông gặp đường xấu không làm chủ được tay lái nên tự ngã.
Trước tình hình này, trong dịp nghỉ lễ 2/9, đầu năm học mới và Tết Trung thu, lực lượng chức năng đã huy động tối đa lực lượng phương tiện làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhờ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông những ngày này cơ bản được đảm bảo. Thế nhưng về lâu về dài thì ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông vẫn là yếu tố quyết định đến việc tai nạn giao thông tăng hay giảm. Thiết nghĩ mỗi người khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Có như vậy mới tạo được môi trường giao thông an toàn và hơn hết là hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn có thể xảy ra.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()