Báo động tình trạng sinh con thứ 3
LSO-5 năm trở lại đây, năm nào cũng có trường hợp sinh con thứ 3; nhất là năm 2013, 2014 thì có đến hơn chục trường hợp, trong đó cá biệt có trường hợp là cán bộ xã. Vấn đề này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng sinh con thứ 3 ở xã Bính Xá, huyện Đình Lập.
Cán bộ dân số xã Bính Xá, huyện Đình Lập phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân về chính sách dân số KHHGĐ |
Sau cơn mưa đầu tháng 7, con đường đất 30 km nối từ trung tâm thị trấn Đình Lập đến xã Bính Xá vốn đã khó lại càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ để cho đoàn xe công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đến được trung tâm xã. Buổi tiếp xúc cử tri bắt đầu muộn hơn kế hoạch nửa tiếng. Bên lề cuộc họp, chị Nguyễn Minh Thư, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bính Xá trăn trở: toàn xã có 839 hộ dân, địa bàn tương đối rộng, địa hình bị phân tán, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, lại có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Xã Bính Xá vừa là xã vùng biên, vừa là xã đặc biệt khó khăn với 39,52% hộ nghèo. Thế nhưng, chỉ tính từ năm 2010 trở lại đây, năm nào xã cũng có trường hợp sinh con thứ 3. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây xã có đến 22 trường hợp sinh con thứ 3. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, trong số 39 trường hợp sinh con thì đã có 6 trường hợp sinh con thứ 3 và 5 trường hợp dự kiến cuối năm 2014 sẽ sinh con thứ 3. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình đông con mà còn đặt ra nhiều vấn đề khác như: công tác chăm sóc bảo vệ bà mẹ, trẻ em; cân bằng giới tính khi sinh; phong tục tập quán lạc hậu; xây dựng đời sống văn hóa mới ở vùng nông thôn…
Trao đổi với chị Hoàng Thị Bông, cán bộ chuyên trách dân số kế hoạch hóa gia đình của xã thì nguyên nhân của tình trạng trên do trình độ dân trí của người dân còn thấp, phần lớn người sinh con thứ 3 là dân tộc ít người, sống xa cách trung tâm xã; nhiều trường hợp còn nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, dù kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn cố đẻ thêm để có con trai nối dõi; người thì cho rằng nhiều rừng, nhiều ruộng phải đẻ nhiều con để có người làm; thêm vào đó là tâm lý ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo của Nhà nước với suy nghĩ đẻ nhiều Nhà nước nuôi. Mặt khác, có những trường hợp biết nhưng cố tình sinh thêm con, trong khi việc xử lý các trường hợp này lại chưa nghiêm, chủ yếu chỉ dừng ở mức khiển trách, xử phát hành chính, kiểm điểm.
Chị Dương Thị Ph, dân tộc Dao ở thôn Ngàn Chả cho biết: “các cán bộ dân số có nhắc nhở và cho cả tờ rơi về sinh đẻ có kế hoạch, nhưng gia đình nghèo, xa trung tâm, tự sản xuất sinh hoạt là chính, vì thế có 2 con gái rồi, chồng bảo phải đẻ thêm con trai để có người làm thôi”. Hay gia đình anh chị Đặc Thị H, ở thôn Pò Phát, mới tuổi đôi mươi, không có việc làm nhưng đã có đến 4 đứa con… Trước thực trạng sinh con thứ 3 ngày càng có chiều hướng tăng và tâm lý, nhận thức của những người dân như chị Ph, chị H nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ dân số xã Bính Xá đã chủ động bám sát, nắm tình hình địa bàn, nỗ lực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Vừa lồng ghép vào các cuộc họp thôn, vừa “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Đồng thời, thông qua nhóm 15 cộng tác viên tin cậy để vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch. Đặc biệt hướng tuyên truyền đến các hộ sinh con một bề là nữ, các gia đình đã có đủ số con, gia đình trong độ tuổi sinh đẻ… Từ đầu năm đến nay, xã đã có 26 cuộc tuyên truyền phối hợp về áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát tờ rơi cho khoảng 917 lượt người nghe. Cán bộ dân số khẳng định rằng: “đa số dân lắng nghe, nhưng rồi để đấy, có mấy ai thực hiện. Cốt là để cán bộ dân số không nói đến trường hợp nhà mình. Khó nhất vẫn là công tác vận động triệt sản đối với những hộ đã sinh đủ số con”. Tính 6 tháng đầu năm 2014, trong tổng số 665 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 515 người sử dụng các biện pháp tránh thai. Nhưng vấn đề đặt ra là mặc dù có sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn nhưng nhiều trường hợp vẫn để mang thai. Nguyên nhân nằm ở sự thờ ơ, thiếu quan tâm đến việc sử dụng các biện pháp này đúng cách.
Trăn trở về vấn đề sinh con thứ 3 ở xã, chị Thư cho biết thêm, để đạt hiệu quả thiết thực trong công tác dân số kế hoạch hóa gia đình thì ngoài sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức, hành vi cho các gia đình, động viên, thuyết phục họ lựa chọn các biện pháp tránh thai, chấp nhận mô hình ít con để xây dựng gia đình hạnh phúc; nhất là việc làm gương của các cán bộ, công chức xã.
THANH HÒA
Ý kiến ()