Báo động tình trạng ly hôn
LSO-Những năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh liên tục báo động về tình trạng án ly hôn tăng, có thời điểm, tỷ lệ án ly hôn ở một số tòa án huyện, thành phố tại tỉnh ta chiếm tới 50 - 60% án dân sự. Điều này cho thấy mối quan hệ hôn nhân ngày càng bị xem nhẹ và đáng lo ngại là sau ly hôn sẽ để lại nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc tại xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn |
Ly hôn trẻ hóa
Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, 3 năm qua (2015 – 2017), tòa án hai cấp đã giải quyết gần 3.000 vụ án hôn nhân gia đình, tăng hơn 30% số vụ so với 3 năm trước. Riêng năm 2017, toàn tỉnh đã thụ lý 1.105 vụ án ly hôn, tăng 451 vụ so với năm 2013. Điều đáng buồn là trên 50% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, từ 18 – 30 tuổi. Trong đó, thành phố Lạng Sơn, các huyện: Cao Lộc, Hữu Lũng là những địa bàn có số vụ án ly hôn nhiều.
Ông Giáp Thanh Long, Chánh án TAND thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong gần 300 vụ án hôn nhân gia đình năm 2017 do đơn vị thụ lý thì có hơn 50% các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, quyền con người được đề cao nên việc ly hôn không còn nặng nề như trước, người phụ nữ chủ động đứng đơn ly hôn đơn phương khi cuộc sống bị bạo hành, mục đích hôn nhân không đạt được…
Một phiên tòa xử ly hôn đơn phương tại TAND thành phố Lạng Sơn |
Nguyên nhân đa dạng
Nguyên nhân các vụ ly hôn thì muôn hình vạn trạng, song chủ yếu vẫn là do mâu thuẫn giữa vợ chồng về kinh tế; ngoại tình hoặc một bên mắc tệ nạn xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật; bạo hành gia đình; đi lao động xa nhà… Ngày nay, xã hội phát triển, nhịp sống hiện đại nên nhiều người tập trung vào công việc kiếm tiền mà không có thời gian quan tâm chăm lo vun vén cuộc sống gia đình. Thậm chí có người vì mải mê làm việc xa nhà mà bỏ bê gia đình, hoặc có đối tượng mới dẫn tới mâu thuẫn và kết cục là đường ai nấy đi. Hoặc nhiều trường hợp kinh tế khá giả, công việc và nhiều cám dỗ trong cuộc sống đã tách hai vợ chồng ra xa hơn, từ đó dẫn đến tư tưởng “ông ăn chả, bà ăn nem”… Đơn cử như trường hợp của chị Hoàng Thị T (27 tuổi), huyện Cao Lộc kết hôn được 3 năm, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chị phải đi làm xa nhà để trang trải cuộc sống. Khi đi làm, chị có quan hệ tình cảm với đồng nghiệp, chê chồng cục cằn, không tâm lý nên chị đã quyết định ly hôn, bỏ lại chồng và con thơ 3 tuổi.
Bên cạnh đó, do “yêu nhanh, cưới vội”, chưa tìm hiểu kỹ đối phương cũng như thiếu hiểu biết về kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân ở các cặp vợ chồng trẻ cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn. Ví dụ như câu chuyện của chị Nguyễn Thu H (20 tuổi), phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, do có bầu 2 tháng nên chị phải nghỉ học để lấy chồng từ khi 18 tuổi. Kết hôn được gần 2 năm, chị thấy chán nản do chồng tuổi trẻ vẫn ham chơi, không quan tâm đến vợ con và còn sử dụng chất kích thích dẫn đến nhiều lúc không làm chủ được bản thân. Chị cảm thấy rất hối hận vì đã không suy nghĩ chín chắn trước khi kết hôn để hậu quả là phải chấm dứt cuộc hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ.
Khi gia đình tan vỡ, không chỉ ảnh hưởng tâm lý vợ, chồng, mà thiệt thòi nhất là trẻ nhỏ. Do thiếu vắng tình yêu thương, dạy dỗ của cha hoặc mẹ, hoặc cả hai mà những đứa trẻ này sẽ gặp khó khăn trong quá trình phát triển nhân cách; thậm chí rơi vào hoàn cảnh lang thang cơ nhỡ, dễ sa vào tệ nạn xã hội, từ đó dẫn tới việc gia tăng các loại tội phạm tuổi vị thành niên.
Cần cấp, ngành vào cuộc
Trước tình trạng báo động ly hôn, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã triển khai các giải pháp để hạn chế tình trạng này, đặc biệt là các cơ quan liên quan trực tiếp như: hội liên hiệp phụ nữ; ngành văn hóa, thể thao và du lịch; ngành tư pháp…
Bà Trần Thị Sơn Thùy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Nhằm giảm thiểu tình trạng ly hôn, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, phổ biến pháp luật tập trung vào: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, đối thoại chính sách, thông qua hội thi… Đồng thời chúng tôi tiếp tục duy trì gần 500 các loại hình câu lạc bộ, mô hình trong lĩnh vực gia đình để phụ nữ nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Thời gian tới, hội sẽ phối hợp với Sở Tư pháp, Tỉnh đoàn tổ chức diễn đàn tư vấn kiến thức về hôn nhân và gia đình cho hội viên, thanh niên.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.300 tổ hòa giải với hơn 13.700 hòa giải viên. Để hạn chế việc ly hôn cũng cần phát huy vai trò của các tổ hòa giải cơ sở, nắm bắt tình hình, hòa giải mâu thuẫn vợ chồng ngay từ ban đầu, tránh tình trạng lúc nóng giận nộp đơn ra tòa. Đặc biệt, các bạn trẻ nên tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình trước khi kết hôn. Các cặp vợ chồng nên hiểu rõ vai trò, vị trí của mình trong việc xây dựng tổ ấm, biết yêu thương, tôn trọng và sẻ chia lẫn nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
TUYẾT MAI – DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()