Báo động tình trạng lao động nghỉ việc tại các doanh nghiệp
Hội nghị có sự tham dự của hơn 600 nhà quản lý và giám đốc nhân sự đến từ các công ty hàng đầu Việt Nam. Chương trình do tổ chức Anphabe (đơn vị tư vấn tiên phong về các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và nguồn nhân lực) tổ chức.
Theo khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” của Anphabe, ghi nhận tỷ lệ nghỉ việc đang gia tăng liên tục trong vòng ba năm qua và dự đoán sẽ cán mốc đáng báo động 24% trong năm nay.
Trong đó, nhóm đối tượng có ý định nghỉ việc rơi vào các nhóm lao động như: ở cấp bậc nhân viên, nhóm lương dưới 10 triệu có tỷ lệ cao nhất là 29%. Tuy nhiên, ở các cấp bậc cao hơn như Trưởng nhóm, Quản lý, Giám đốc… lương càng cao thì dự định nghỉ việc cũng nhiều, trong đó, ở các vị trí như: Tiếp thị, tiếp thị bán hàng, IT và tài chính.
Theo Anphabe, ở nhóm trẻ (thế hệ 9X), tỷ lệ nghỉ việc cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Đáng nói là, ngay cả “hài lòng” về môi trường làm việc, vẫn có hơn 17% dự tính nghỉ trong vòng một năm.
Đối với nhân viên thâm niên dưới hai năm có rủi ro nghỉ việc cao nhất, đặc biệt ở cấp Quản lý và Giám đốc cao hơn các mức thâm niên khác. Phân tích trên mức lương, nhóm nhân viên có lương hơn 80 triệu thì trung bình cứ hai người sẽ có một có ý định nghỉ việc.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe cho rằng: việc thất thoát chất xám, các doanh nghiệp ít nhất phải mất 15-20% lương năm của vị trí đó để tìm được một người thay thế. Còn nếu người ra đi là người giỏi và nỗ lực cao, tổn thất của doanh nghiệp sẽ còn cao hơn nhiều (kiến thức, mối quan hệ bị mất đi, chi phí đào tạo người mới…).
Kết quả khảo sát cũng nêu ra bốn xu hướng khiến tình trạng chảy máu chất xám tại cac doanh nghiệp ngày càng nghiệp trọng gồm: Lao động có nhiều lựa chọn nghề nghiệp mới, bao gồm cả công việc trái ngành; số lượng doanh nghiệp mới đăng ký đang tăng lên nhanh chóng (chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2019, đã có hơn 80 nghìn doanh nghiệp); nhu cầu khởi nghiệp tăng cao và tình hình di dân (Việt Nam thuộc tốp 10 nước di dân nhiều ở châu Á – Thái Bình Dương), cũng là nguyên nhân khiến tình hình “chảy máu chất xám” diễn ra nhiều và đáng tiếc.
Theo bà Thanh Nguyễn, để giữ người tài, doanh nghiệp cần bảo đảm được các yếu tố: Ý nghĩa công việc, sức khỏe thể chất tinh thần, năng lực tương thích, kết nối và tự chủ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()