Báo động tình trạng khai thác nhựa thông sớm
– Hiện nay, tình trạng khai thác nhựa đối với cây thông chưa đủ tuổi diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Theo đánh giá từ cơ quan chuyên môn, vấn đề trên có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của nhựa thông và gỗ khi khai thác.
Theo khuyến cáo của ngành lâm nghiệp, người dân chỉ nên khai thác nhựa đối với cây thông đủ 20 năm tuổi, hoặc tối thiểu 15 tuổi trở lên để đảm bảo rừng sinh trưởng, phát triển ổn định và hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn khai thác nhựa thông sớm hơn so với mức trên.
Nhiều cây thông tại thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc chưa đủ 10 năm tuổi đã bị người dân khai thác nhựa
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có mặt tại rừng thông của chị Lộc Thị Hồng tại thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Tại đây, không ít cây thông có đường kính chỉ khoảng 9 đến 10 cm, cao khoảng 5 m đã đầy “thương tích” do bị cạo nhựa. Một số cây do khai thác nhựa quá sớm có dấu hiệu còi cọc, chậm phát triển so với thông thường.
Chị Lộc Thị Hồng, chủ rừng cho biết: “Gia đình tôi có 500 cây thông đang được khai thác nhựa. Trong đó, có khoảng 200 cây từ 9 đến 10 tuổi. Biết là khai thác sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến cây nhưng kinh tế gia đình tôi phụ thuộc hầu hết vào trồng rừng, nếu không khai thác sớm sẽ không đảm bảo thu nhập trang trải sinh hoạt”. Theo chị Hồng, thực tế trước đây đã có một số cây thông của gia đình bị chết do khai thác sớm sau 3 đến 4 năm lấy nhựa.
Tương tự, người dân tại một số xã ở huyện Lộc Bình, Đình Lập cũng thường xuyên khai thác nhựa thông sớm gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây thông. Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập cho biết: Hiện nay, tình trạng khai thác nhựa thông sớm vẫn xảy ra tại một số địa bàn trong huyện. Việc người dân khai thác nhựa thông sớm đem lại lợi nhuận trước mắt cho người dân nhưng lại ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Những cây thông bị khai thác nhựa sớm thường có thời gian thu hoạch nhựa rất ngắn (khoảng 3 đến 4 năm), sau đó, cây sẽ rất chậm lớn hoặc chết. Về lâu dài, điều này gây thiệt hại về kinh tế cho người dân do năng suất, chất lượng gỗ thông bị giảm mạnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây thông trên địa bàn tỉnh được trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật khi đủ 15 đến 20 năm khi khai thác nhựa có thể đạt sản lượng từ 4 đến 5 kg/năm và có thể khai thác từ 6 đến 7 năm. Tuy nhiên, nếu khai thác sớm, lượng nhựa có thể chỉ còn khoảng 2 đến 3 kg/ năm. Dù không có thống kê cụ thể nhưng từ những điều trên, có thể thấy rõ mức thiệt hại kinh tế nếu so sánh rừng thông bị khai thác sớm so với rừng khai thác đúng độ tuổi.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, diện tích thông trên địa bàn tỉnh khoảng 130.000 ha. Trong đó, tập trung tại 3 huyện: Cao Lộc; Lộc Bình; Đình Lập với diện tích khoảng 110.000 ha. Những năm gần đây, giá nhựa thông luôn ở mức tương đối cao (dao động từ 25.000 đến 50.000 đồng/kg). Cùng đó, chu kỳ phát triển của cây thông rất dài, vì vậy, dù cây chưa đủ tuổi nhưng nhiều hộ đã “tranh thủ” khai thác nhựa thông sớm để có thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Tình trạng khai thác nhựa thông sớm vẫn xảy ra ở một số địa phương, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời và để xảy ra trên diện rộng thì sẽ gây thiệt hại đối với kinh tế của người dân về lâu dài và ảnh hưởng đến quá trình phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, thậm chí gây chết cây. Do đó, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng. Đồng thời, đề nghị người dân khai thác nhựa thông đúng yêu cầu về độ tuổi, kỹ thuật. Trong đó, lực lượng kiểm lâm sẽ tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức lồng ghép các nội dung về quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững đến người dân thông qua các cuộc họp thôn, xã và qua các hình thức tuyên truyền khác.
Ngoài những biện pháp trên, trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ đề xuất nghiên cứu, chọn tạo và đưa các giống thông có năng suất, chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn hơn vào sản xuất, phát triển rừng. Đây sẽ là một trong những giải pháp góp phần rút ngắn thời gian sản xuất, nhanh chóng tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
“Tình trạng khai thác nhựa thông sớm vẫn xảy ra ở một số địa phương, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời và để xảy ra trên diện rộng thì sẽ gây thiệt hại đối với kinh tế của người dân về lâu dài và ảnh hưởng đến quá trình phát triển rừng trên địa bàn tỉnh”. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh |
Ý kiến ()