Báo động nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Băng tan ở Grin-len.
Theo kết quả nghiên cứu WRI vừa công bố, gần 20 quốc gia trên thế giới đang đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt rất cao, do mới đến tháng 8 mà đã tiêu thụ tới 80% lượng nước tự nhiên hằng năm. Điều đáng nói là, tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn, khi tần suất các đợt khô hạn tăng đột biến, do tác động của biến đổi khí hậu.
Theo bản đồ của WRI cập nhật tình trạng thiếu nước thế giới, vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi là nơi có nhiều quốc gia “khát nước trầm trọng nhất” trên thế giới. Trong đó, chịu áp lực lớn nhất là Ca-ta, tiếp đến là I-xra-en và Li-băng. Với dân số hơn 1,3 tỷ người, Ấn Độ xếp thứ 13 trong danh sách các quốc gia có nguy cơ thiếu nước “rất cao”. Nhưng tỷ lệ người dân chịu ảnh hưởng nguy cơ này tại Ấn Độ lại cao gấp ba lần so với mức ở 16 quốc gia khác.
Có nhiều yếu tố tác động, thậm chí đe dọa các nguồn cung nước trên thế giới. Ngoài công tác quản lý sử dụng và xử lý ô nhiễm nước chưa hiệu quả, người dân phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước ngầm vốn đang dần cạn kiệt, thì tình trạng biến đổi khí hậu, mà phần lớn do chính các hoạt động của con người, luôn được xem là yếu tố chính đe dọa nguồn cung nước.
Mới đây, nhà nghiên cứu về sông băng R.Cô-lúc-chi cho biết, trong 100 năm qua, các dòng sông băng trên dãy núi An-pơ đã giảm 50% diện tích; và 70% trong số diện tích giảm sút này đã “biến mất” trong 30 năm gần đây. Những nghiên cứu về quá trình tan chảy các dòng sông băng tại Grin-len và Nam Cực cho thấy, nguyên nhân chính là trong thế kỷ 20 tốc độ tăng khí CO2 trong khí quyển nhanh hơn hàng trăm lần so với mức của bất kỳ thời kỳ nào và trách nhiệm gây nên tình trạng đó thuộc về con người.
Ông Cô-lúc-chi cảnh báo, trong khoảng 20 đến 30 năm tới, các sông băng có độ cao dưới 3.500 mét có thể biến mất hoàn toàn. Nếu sự ấm lên toàn cầu không dừng lại, băng sẽ chỉ còn lại trên những đỉnh núi cao nhất của dãy An-pơ. Và một điều đáng lo ngại là, hiện tượng băng tan không chỉ xảy ra trên dãy núi An-pơ, mà ở tất cả các dãy núi trên thế giới, từ dãy An-đét đến Hy-ma-lay-a, cả Nam Cực và Bắc Cực. Các quốc gia như Pê-ru, Chi-lê và Ấn Độ có nguồn nước dựa nhiều vào sông băng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chen-nai, thành phố lớn thứ sáu tại Ấn Độ, vừa ban hành cảnh báo “cạn kiệt nước”, khi lượng nước tại các hồ chứa giảm mạnh. Trước đó, cảnh báo tương tự cũng đã được đưa ra tại Kếp Tao (Nam Phi), với tên gọi “ngày không nước” (Day Zero), hay ở thành phố Xao Pao-lô của Bra-xin. Giám đốc Chương trình nước toàn cầu thuộc WRI B.Ốt-tô cảnh báo, tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra nhiều hơn trong tương lai.
Theo ước tính, gần một phần ba lượng nước ngọt trên thế giới là nước ngầm, song do thiếu hiểu biết và khó khăn trong việc đánh giá, đo đạc nguồn nước nằm sâu dưới lòng đất, việc quản lý và sử dụng nguồn nước này còn yếu kém. Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, trong đó có dịch vụ chăm sóc y tế. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, cứ bốn cơ sở chăm sóc y tế trên toàn thế giới, thì có một cơ sở thiếu các dịch vụ nước sạch cơ bản, ảnh hưởng tới hơn hai tỷ người và làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, kháng vi khuẩn và giảm chất lượng chăm sóc y tế.
WHO và UNICEF khuyến nghị các chính phủ cần có các kế hoạch và chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, để cải thiện công tác cung cấp nước sạch. Song, để “làm đầy” nguồn cung nước, bảo đảm cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, ưu tiên hàng đầu là nỗ lực hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, nhất là thay đổi thái độ, thói quen sinh hoạt của từng cá nhân theo hướng giảm thiểu rác thải.
Theo Nhandan
Ý kiến ()