Sau vụ cháy chợ Quảng Ngãi, người dân cả nước, nhất là những người đang kinh doanh tại các chợ vẫn chưa hết bàng hoàng. Những người đang mua bán, kinh doanh ở Trung tâm thương mại TP Plây Cu (Gia Lai) cũng đang hết sức lo lắng vì thực trạng mà họ đang phải đối mặt hằng ngày...Trung tâm Thương mại (TTTM) Plây Cu là nơi kinh doanh sầm uất nhất tỉnh Gia Lai hiện nay. Vị trí của TT được bao bọc bởi bốn trục đường chính là Trần Phú, Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ và Đinh Tiên Hoàng. Theo thiết kế, chỉ có 612 hộ được phép kinh doanh trong các khu vực có lô sạp cố định. Song do sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của xã hội nên đã phát sinh khoảng gần 400 hộ kinh doanh lộ thiên buôn bán đủ các loại hàng hóa, chiếm cả lối đi lại. Hiện hầu hết những người buôn bán ở TTTM đều bày tỏ tâm trạng lo lắng nếu như không may xảy ra sự cố cháy chợ như ở Quảng Ngãi. Họ lo cũng phải, bởi cách đây không lâu (mùng 4...
Sau vụ cháy chợ Quảng Ngãi, người dân cả nước, nhất là những người đang kinh doanh tại các chợ vẫn chưa hết bàng hoàng. Những người đang mua bán, kinh doanh ở Trung tâm thương mại TP Plây Cu (Gia Lai) cũng đang hết sức lo lắng vì thực trạng mà họ đang phải đối mặt hằng ngày…
Trung tâm Thương mại (TTTM) Plây Cu là nơi kinh doanh sầm uất nhất tỉnh Gia Lai hiện nay. Vị trí của TT được bao bọc bởi bốn trục đường chính là Trần Phú, Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ và Đinh Tiên Hoàng. Theo thiết kế, chỉ có 612 hộ được phép kinh doanh trong các khu vực có lô sạp cố định.
Song do sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của xã hội nên đã phát sinh khoảng gần 400 hộ kinh doanh lộ thiên buôn bán đủ các loại hàng hóa, chiếm cả lối đi lại. Hiện hầu hết những người buôn bán ở TTTM đều bày tỏ tâm trạng lo lắng nếu như không may xảy ra sự cố cháy chợ như ở Quảng Ngãi. Họ lo cũng phải, bởi cách đây không lâu (mùng 4 Tết Nhâm Thìn vừa qua, một vụ cháy tại chợ Hội Phú (phường Hội Phú, TP Plây Cu) đã thiêu rụi hoàn toàn ba gian hàng buôn bán tạp hóa tại chợ này. Tại tầng 2 của TT, nơi chuyên buôn bán quần áo, bà Vũ Thị T. (60 tuổi), kinh doanh ở TT này từ lúc mới được đưa vào sử dụng bộc bạch: Nhìn hoàn cảnh của những tiểu thương ở chợ Quảng Ngãi, chúng tôi lại lo chẳng biết khi nào đến lượt mình… Cũng cùng tâm trạng như bà T. bà Lương Thị H. bức xúc: Việc này chúng tôi đã phản ánh với Ban Quản lý chợ từ rất lâu rồi. Cũng như chị em kinh doanh ở Quảng Ngãi, khi hết ngày, hầu hết chúng tôi đều để tiền và hàng lại ki-ốt vì việc buôn bán luôn cần tiền mặt và cũng vì sợ bị cướp giật dọc đường… Do đó, lỡ có cháy thì chúng tôi chẳng biết bấu víu vào đâu…
Đi một vòng TTTM quan sát, mới thấy những phản ánh, bức xúc và cả những lo lắng của người kinh doanh là có cơ sở. Ở các quầy hàng trong khu nhà lồng, việc cơi nới, bày bán hàng tràn ra lối đi khá phổ biến. Tại khu vực các cổng chợ trên đường Duy Tân và đường Nguyễn Thiện Thuật; các đường nhánh A1, A2… tình trạng ách tắc do bày bán hàng hóa và đậu đỗ xe máy còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng mỹ quan và trật tự trong TTTM mà còn là một cản trở lớn với việc cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chữa cháy trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Bên cạnh việc quy hoạch, sắp xếp các gian hàng, ngành hàng thiếu hợp lý, tại TTTM này, việc sử dụng củi lửa và các thiết bị điện vẫn còn khá tùy tiện. Trong khu nhà lều hướng cổng chợ đường Trần Phú, những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn thoải mái đun, nấu dù ngay gần đó là những sạp hàng kinh doanh đồ khô, dễ bắt lửa. Ở nhiều quầy hàng buôn bán các mặt hàng dễ cháy như vải vóc, áo quần, việc sử dụng điện theo quy định phòng cháy, chữa cháy còn khá bừa bãi. Một thiếu sót nữa không thể không nhắc đến ở TTTM Plây Cu là việc bảo quản, sử dụng các trang, thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chưa được quan tâm đúng mức. Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh Gia Lai) trong số 236 bình chữa cháy xách tay hiện có ở TTTM phần lớn đã cũ và cần phải nhanh chóng thay thế. Đã vậy, hiện nay, rất nhiều bình lại bị mất loa gắn ở vòi dẫn, làm giảm hiệu quả khi cần sử dụng; thậm chí nhiều thùng đựng bình chữa cháy còn bị hàng hóa che khuất. Ngoài ra, qua các lần kiểm tra ở TT, Phòng Cảnh sát PCCC còn phát hiện nhiều thiếu sót như: Ban Quản lý và các hộ kinh doanh không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định; khu vực bể nước và máy bơm chữa cháy bị hàng hóa đè lên; việc thắp nhang, đốt vàng mã vẫn xảy ra không ít… Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, 300 m3 là lượng nước thường trực dành cho chữa cháy của TT, ở những con đường chung quanh còn có bốn họng tiếp nước chữa cháy. Tuy nhiên, theo cán bộ PCCC, ngay đến việc tiếp cận những họng nước chữa cháy cũng khó khăn, bởi người dân buôn bán tràn lan, lấn chiếm, không có lối vào.
Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Gia Lai Dương Thanh Bình cho biết: Lưu lượng người trong TTTM Plây Cu cũng như hàng hóa hiện nay quá nhiều, khiến chợ quá tải so với thiết kế ban đầu. Đây là nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ rất lớn. Những con đường chung quanh chợ bị người dân mặc sức cơi nới, lấn chiếm lòng đường… Nguy cơ cháy TTTM Plây Cu là thường trực. Trong trường hợp xảy ra cháy, việc tiếp cận và chữa cháy của lực lượng chức năng sẽ rất khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều.
Thực tế, với những gì quan sát được, cộng với kết quả kiểm tra và đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC, rõ ràng nguy cơ cháy ở TTTM Plây Cu đã đến lúc báo động đỏ và là vấn đề cấp bách đòi hỏi Ban Quản lý, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương không thể xem thường, chủ quan.
Theo Nhandan
Ý kiến ()