Báo động của Seoul
Sẽ ra sao nếu ½ dân số của một quốc gia chỉ cư trú trên 11% diện tích quốc gia đó? Đó chính là tình trạng của Hàn Quốc hiện nay. The Korea JoongAng Daily dẫn số liệu thống kê cho hay, 50,5% dân số Hàn Quốc tập trung ở thủ đô Seoul và các thành phố lân cận. Con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 53% vào năm 2030.
Thực tế là nhiều người dân xứ sở kim chi, đặc biệt là những người trẻ, háo hức chuyển đến thủ đô với kỳ vọng có công việc và cuộc sống tốt hơn. Với nhiều người khác, đây là con đường duy nhất giúp họ sinh tồn. Kim Ji-hyun, nhân viên văn phòng 27 tuổi, từng sống ở Gangnam, phía Nam Seoul cho biết: “Nếu được lựa chọn, tôi muốn sống và làm việc ở Busan”. Kim chuyển tới Seoul từ thành phố cảng Busan, thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc. Tại quê hương, anh không kiếm được việc làm với mức lương phù hợp cùng môi trường làm việc mong muốn.
Năm 2022 có tới 25,4% sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài Seoul đã đổ về thủ đô kiếm việc. Hầu hết lao động trẻ Hàn Quốc mong muốn làm việc cho các tập đoàn lớn như: Samsung Electronics, Kakao, Hyundai Motor… Mà những tập đoàn này đều đặt trụ sở tại Seoul và vùng lân cận.
Dân cư tập trung đông đúc ở Seoul dẫn đến tắc nghẽn giao thông và giá nhà ở tăng vọt (ảnh minh họa). Ảnh: Green Peace Media. |
Sự thiếu vắng các cơ sở văn hóa giải trí ở các khu vực xa thủ đô cũng là điểm hạn chế khiến những vùng này không thu hút được người lao động. Theo một khảo sát, năm 2021 ở khu vực Seoul và vùng lân cận có 383 cơ sở văn hóa giải trí tại mỗi tỉnh, thành phố; trong khi 14 tỉnh, thành phố xa xôi khác chỉ có tổng cộng 142 cơ sở. Tính ra tại Seoul và vùng lân cận, cứ 2,08km là có một cơ sở văn hóa giải trí, trong khi con số này là 10,21km ở Nam Jeolla và 13,32km ở Gangwon.
Cơ hội giáo dục cũng là một yếu tố quan trọng thu hút dân cư. 68% số người được khảo sát cho biết, họ muốn sống ở thủ đô vì đa số các trường đại học danh tiếng của Hàn Quốc đều nằm ở Seoul.
Chính phủ Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ đã không ngừng nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm giãn bớt mật độ dân cư ở Seoul và vùng lân cận, như di dời nhiều cơ quan chính phủ đến tỉnh, thành phố khác; kêu gọi các tập đoàn đầu tư sản xuất ở những vùng xa xôi… Tuy nhiên, cho đến nay, các biện pháp nói trên chưa đem lại nhiều kết quả.
Việc tập trung dân cư đông đúc ở Seoul và vùng lân cận dẫn đến các vấn đề tắc nghẽn giao thông, giá nhà ở tăng vọt… Chính phủ Hàn Quốc còn lo ngại tình trạng này có thể dẫn đến sự thoái hóa dân cư ở các khu vực xa xôi, khiến dân cư khu vực đó “có nguy cơ biến mất trong tương lai”, nhất là trong bối cảnh Hàn Quốc nằm trong top các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới nhiều năm qua.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/bao-dong-cua-seoul-744254
Ý kiến ()