Bão dồn dập, phá vỡ kỷ lục trong 49 năm qua
Năm 2013 tiếp tục là năm ghi nhận những diễn biến bất thường của thời tiết. Đặc biệt là số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã đổ vào nước ta.
Năm 2013 tiếp tục là năm ghi nhận những diễn biến bất thường của thời tiết. Đặc biệt là số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã đổ vào nước ta.
Nếu như năm 1964, Việt Nam ghi nhận có 16 cơn bão và ATNĐ hoạt động trong vùng Biển Đông, thì từ đầu năm đến nay, dự báo đã có 18 cơn bão và ATNĐ. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, phóng viên Báo Nhân Dânđã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng -Thủy văn T.Ư Lê Thanh Hải. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên (PV): Năm 2013, số lượng bão, ATNĐ xuất hiện trên Biển Đông đã phá kỷ lục cách đây 49 năm, đồng chí đánh giá hiện tượng này như thế nào? Nguyên nhân gì dẫn đến hiện tượng nói trên?
Phó Giám đốc Lê Thanh Hải (PGĐ LTH): Kỷ lục số cơn bão và ATNĐ vào Biển Đông được xác lập vào năm 1964. Ngành khí tượng khi đó ghi nhận có tất cả 16 cơn bão và ATNĐ. Thời điểm ấy, dự báo của nước ta chưa phân biệt được bão hay ATNĐ cho nên gọi chung là bão. Đến nay, dù chưa hết năm 2013 nhưng đã ghi nhận 16 cơn bão và ATNĐ, chưa kể một ATNĐ gần bờ rất có khả năng mạnh lên thành bão (bão số 13) và bão Haiyan sẽ vào Biển Đông trong những ngày tới. Như vậy số lượng bão và ATNĐ có thể là 18, và đã phá vỡ kỷ lục trong 49 năm qua.
Ngoài ra, số cơn bão mạnh cấp 12 trở lên đi vào nước ta thông thường chỉ có một cơn/năm, nhưng năm nay đã có hai cơn (số 10 và 11). Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến của bão và ATNĐ không rõ rệt. Tuy nhiên, điều chắc chắn là, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm gia tăng cường độ bão mạnh. Đáng chú ý, những năm gần đây, bão có khuynh hướng đổ bộ xuống các tỉnh phía nam nước ta.
PV: Vì sao Trung tâm thường phát đi cảnh báo về ATNĐ sớm hơn các đài khí tượng quốc tế?
PGĐ LTH: Hiện nay, ATNĐ gần bờ rất có khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 13) vào tối hôm qua (6-11).
Theo dự báo, nhiều khả năng bão số 13 đi vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đây là khu vực có dân cư đông, nhà cửa không kiên cố như ở miền trung cho nên bão vào sẽ rất nguy hiểm. Sức gió giật của bão số 13 có thể không mạnh bằng bão số 10, 11 nhưng sẽ quét qua vùng địa hình rộng, gây mưa cục bộ ở khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên, thậm chí kéo ra đến Quảng Ngãi.
Trong khi đó tại khu vực quần đảo Trường Sa còn nhiều tàu, thuyền đang tập trung để tránh bão. Với khu vực này, gió mạnh cấp 8 cũng khiến tàu bị hư hỏng. Các tàu cá di chuyển với tốc độ bình quân 10-12km/giờ, trong khi bão đi với tốc độ 25-30km/giờ cho nên có thể chạy tránh bão không kịp nếu không được thông báo sớm. Đáng chú ý là ngay sau cơn bão này, các cơ quan khí tượng quốc tế đã ghi nhận bão Haiyan (Hải Âu) đang di chuyển với tốc độ nhanh. Dự báo đến ngày 9-11, cơn bão này sẽ vào Biển Đông và hình thành cơn bão số 14. Như vậy, hai cơn bão dồn dập sẽ gây không ít khó khăn cho công tác hướng dẫn tàu thuyền. Đây cũng chính là lý do khiến Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư phát đi bản tin cảnh báo về ATNĐ sớm hơn các đài khí tượng quốc tế, để giúp Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, Chính phủ ra công điện cảnh báo khu vực nguy hiểm, hướng dẫn tàu, thuyền vào tránh, trú bão an toàn. Hiện hai cơn bão này còn cách nhau khá xa (3.000 km).
PV: Dự báo diễn biến thời tiết những tháng cuối năm và vụ đông – xuân 2013-2014?
PGĐ LTH: Từ nay đến hết năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 còn có bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng một đến hai cơn và tập trung ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ, như vậy, số lượng bão và ATNĐ trong năm nay sẽ vượt xa kỷ lục năm 1964.
Ngoài ra, nền nhiệt độ trung bình các tháng thuộc vụ sản xuất đông – xuân ở Bắc Bộ phổ biến cao hơn một ít so trung bình nhiều năm (TBNN); các khu vực khác ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Đợt rét đậm đầu tiên (nhiệt độ trung bình ngày ở các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ xuống dưới 150 C, kéo dài từ ba ngày trở lên), có khả năng xảy ra vào đầu tháng 1-2014 và muộn hơn so TBNN (ngày 25-12) và tương đương với vụ đông – xuân năm 2012-2013. Các đợt rét đậm ở khu vực phía bắc có khả năng tập trung nhiều vào tháng 1 và 2-2014.
Trong mùa đông – xuân năm 2013-2014 ở các tỉnh phía bắc xen kẽ giữa những thời kỳ ấm hơn mức bình thường là một số đợt rét đậm, rét hại. Phần lớn các đợt rét đậm, rét hại kéo dài ba đến năm ngày, nhưng cũng cần đề phòng có đợt kéo dài hơn.
PV: Xin cảm ơn Phó Giám đốc.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()