Bảo đảm việc làm cho người lao động ngay từ đầu năm
Bố trí việc làm cũng như bảo đảm đủ nguồn lao động trong thời điểm sau Tết Nguyên đán luôn là bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp trong những năm qua. Do vậy, ngay từ đầu năm 2023, ngành lao động-thương binh và xã hội tại nhiều địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động.
Người lao động tìm hiểu thông tin lao động, đăng ký ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh TRẦN OANH) |
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023, khi thị trường lao động có nhiều biến động thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm. Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều phiên giao dịch việc làm đầu xuân để hỗ trợ việc làm cho người lao động, nhằm đạt mục tiêu của thành phố Hà Nội trong năm là giải quyết được việc làm cho 162 nghìn lao động.
Do đó, việc triển khai các sàn giao dịch việc làm là giải pháp hết sức quan trọng. Ngay trong quý I/2023, hệ thống sàn giao dịch việc làm sẽ tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm hằng ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần; một phiên giao dịch việc làm online; một phiên giao dịch việc làm chuyên đề; một phiên giao dịch việc làm lưu động; giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội là 432 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7.200 lao động.
Tại tỉnh Đắk Lắk ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã có 245 người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), Văn phòng giao dịch Ea Kar và Văn phòng giao dịch thị xã Buôn Hồ (trực thuộc Trung tâm) tìm hiểu thị trường lao động, tìm kiếm việc làm. Trung tâm đã tư vấn, giải quyết hồ sơ của 156 trường hợp, Văn phòng giao dịch Ea Kar: 47 trường hợp, Văn phòng giao dịch thị xã Buôn Hồ: 42 trường hợp.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các thủ tục nhanh chóng cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tăng cường nhân viên, bố trí thêm bàn làm việc đón tiếp, tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh công tác giải quyết hồ sơ tìm việc làm cho người lao động, ngày 29/1, Trung tâm đã tổ chức phiên giao dịch việc làm tại xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) và ngày 31/1, Trung tâm tổ chức Hội chợ việc làm Xuân trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin).
Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc đẩy mạnh triển khai các phiên giao dịch việc làm đầu xuân đã tạo không khí phấn khởi cho người lao động, đồng thời giúp các doanh nghiệp bổ sung nguồn lao động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2023 sẽ có những hướng mới về hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm, tiếp tục từng bước để nâng kết quả hoạt động của hệ thống sàn thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dần hoạt động các phiên giao dịch việc làm cũng như công tác hoạt động nghiệp vụ về thông tin thị trường lao động trên toàn bộ hệ thống, có thể tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho các phiên giao dịch việc làm. Bên cạnh đó, ngành lao động-thương binh và xã hội sẽ đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường lao động trực tuyến để kết nối cung cầu lao động, mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Theo Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình lao động việc làm, năm 2023 việc làm cho người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong quý I/2023, nhất là ở một số lĩnh vực thâm dụng lao động tại khu vực phía nam và miền trung. Liên quan tình hình cắt giảm việc làm trong các doanh nghiệp, báo cáo tính đến ngày 24/1 có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), tập trung ở các ngành nghề: dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ. Có 637.491 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường.
Nguyên nhân là do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cùng với đó là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự gia tăng bảo hộ thương mại; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… đã làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn bị suy giảm. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động trong nước, nhất là đối với những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, những khó khăn về việc làm trong quý I chỉ mang tính chất cục bộ. Dự kiến trong thời gian tới, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại, theo đó tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng. Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người, cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua.
Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh rà soát, nắm bắt tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ…) để có phương án kết nối cung-cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.
https://nhandan.vn/bao-dam-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-ngay-tu-dau-nam-post737236.html
Ý kiến ()