Bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động (NLĐ).
So với 5 năm trước, số lượng công nhân lao động (CNLĐ) có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của CNLĐ ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ CNLĐ vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp; điều kiện làm việc ở nhiều DN và đời sống của CNLĐ chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây đã ảnh hưởng nặng nề sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN, tác động đời sống, việc làm của nhiều CNLĐ, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.
Thực tế đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua đã “tiến công” vào các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) ở một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh… và gần đây là TP Hồ Chí Minh với rất nhiều ca nhiễm Covid-19 chỉ trong thời gian ngắn, làm hoạt động SXKD bị đình trệ; nhiều cơ sở sản xuất phải trở thành cơ sở cách ly bất đắc dĩ với số lượng lớn CNLĐ. Tại những KCN này có những cơ sở sản xuất rất quan trọng, thuộc những lĩnh vực sản xuất có kim ngạch xuất khẩu cao, số lượng CNLĐ rất lớn đến từ hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nếu quản lý không chặt số lao động này thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Bởi vậy, việc bảo đảm mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch tốt vừa khôi phục SXKD ổn định tại các KCN, bảo đảm đời sống cho CNLĐ đang là yêu cầu cấp bách hiện nay. Nếu các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không quyết liệt vào cuộc thì rất dễ xảy ra “thiệt hại kép”. Chăm lo cho NLĐ lúc này chính là góp phần quan trọng hỗ trợ phát triển SXKD, mà phát triển SXKD thì mới có nguồn lực để hỗ trợ phòng, chống dịch.
Nhận thức rõ tình hình này, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh nói chung, bảo đảm an toàn tại các khu vực tập trung đông CNLĐ nói riêng, trong đó đặc biệt coi trọng các giải pháp bảo đảm ổn định đời sống NLĐ. Nhiều cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã tập trung bàn các giải pháp. Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và bảo đảm bố trí, khơi thông nguồn lực thực hiện. Chỉ thị đã đề ra các giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các KCN, KCX, nơi tập trung đông CNLĐ; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp CNLĐ và các DN vượt qua khó khăn, phục hồi SXKD, ổn định việc làm. Tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho CNLĐ tại các KCN. Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực bảo đảm việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của CNLĐ theo quy định của pháp luật…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của NLĐ; phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho đối tượng là NLĐ có thu nhập thấp, người dân ở vùng khó khăn. Tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho CNLĐ, DN vượt qua đại dịch Covid-19 và kịp thời triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên, nhất là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các KCN, KCX. Chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho CNLĐ để hỗ trợ thích ứng, phù hợp các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19.
Ý kiến ()