Đang ngồi tại phòng chờ để lên chuyến tàu hỏa khởi hành khoảng 10 giờ, chị Nguyễn Thị Trang ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hay tin cầu Ghềnh bị sập phải trung chuyển bằng xe ô-tô đến ga Biên Hòa để tiếp tục đi ra miền bắc, tâm lý có lo ngại. Tuy nhiên, trên hành trình trung chuyển, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Nhân viên ga Biên Hòa đã hướng dẫn rất nhiệt tình nên tâm lý không còn lo ngại nữa”.
Chị Trần Thị Hòa, ở Bình Dương cho hay: “Mặc dù hành khách có đông, nhưng các lực lượng công an, dân phòng, nhân viên ga… đã bảo vệ tình an ninh trật tự khá tốt. Qua đó, hành khách cũng yên tâm khi đến điểm trung chuyển ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình”.
Theo chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai, các lực lượng chức năng phải túc trực 24/24 tại gia Biên Hòa, các tuyến đường dẫn đến ga Biên Hòa bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự, không đề ùn tắc giao thông xảy ra.
Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là năng lực ga Biên Hòa, cũng như các ga khác trên địa bàn Đồng Nai không thể tiếp nhận một lượng hành khách, hành hóa lớn, khó có thể đảm nhận nổi việc sắp xếp cho những hành khách,hàng hóa từ bắc vào nam và ngược lại. Cần thẳn thắng nhìn nhận, việc bố trí, sắp xếp nhân viên, cũng như nâng cao năng lực đảm nhận hành khách, hàng hóa của các ga trên địa bàn Đồng Nai không thể sắp xếp được ngay, nhưng với sự nỗ lực của các ban ngành liên quan đã đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế, cho đến thời điểm này không có ùn ứ hành khách, hàng hóa xảy ra.
Việc khắc phục sự cố cầu Ghềnh cần phải có thời gian, sớm nhất cũng phải mất từ ba đến năm tháng. Trước mắt, ngành đường sắt sẽ phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng với một số hãng xe khách để vận chuyển hành khách từ ga Biên Hòa về TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
Tàu hỏa đang chờ hành khách vận chuyển từ ga Sóng Thần đến ga Biên Hòa để khởi hành.
Theo ông Nguyễn Văn Nở, Trưởng phòng kiểm tra điều hành của Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, sau sự cố cầu Ghềnh bị sập, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Đồng Nai đã giao cho Trung tâm phối hợp các doanh nghiệp vận tải ở Biên Hòa hỗ trợ tối đa cho ga Biên Hòa nhằm vận chuyển hành khách trong điều kiện thuận tiện nhất. Theo từng chuyến tàu và lượng hành khách vào ga, Trung tâm sẽ bố trí đầy đủ phương tiện chất lượng tốt để vận chuyển hành khách.
Theo bố trí, ga Biên Hòa làm nơi trung chuyển hành khách, ga Hố Nai và ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) làm nơi trung chuyển hàng hóa. Ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Bình Thuận (quản lý đường sắt từ Bình Thuận đến Đồng Nai) cho hay: “Trong trường hợp các ga ở Đồng Nai quá tải thì có thể tính đến phương án dùng ga ở Phan Thiết (Bình Thuận) làm nơi trung chuyển hàng hóa. Tính đến thời điểm này, có 3.500 khách đã được trung chuyển bằng xe khách từ Biên Hòa đi TP Hồ Chí Minh bảo đảm an toàn. Đối với hành khách đi từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh phía bắc cũng được điều xe vận chuyển đến ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình”.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, ngành đường sắt cũng đưa lực lượng nhân viên đường sắt đến các ga làm nơi trung chuyển đã đáp ứng được yêu cầu, hướng dẫn hành khách ra tận xe trung chuyển không để hành khách trễ tàu. Về công tác trung chuyển hàng hóa, ngành đường sắt cũng đang rất khẩn trương khảo sát tại ga Hố Nai, ga Trảng Bom. Trước mắt, với số lượng hàng hóa hơn 1.000 tấn đã nhận và vận chuyển khách hàng, ngành đường sắt sử dụng xe tải chở từ ga Sóng Thần (Bình Dương) ra ga Hố Nai.
Mặc dù đã có các phương án trung chuyển hàng hóa, hành khác, nhưng ông Dũng vẫn thừa nhận, thực tế ga Hố Nai, Biên Hòa còn hạn chế rất nhiều so với ga Sóng Thần. Đây là khó khăn lớn nhất mà ngành đường sắt gặp phải trong thời gian chờ khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh.
Ý kiến ()