Bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Đại biểu Quốc hội cho rằng, còn một số nội dung đang được quy định đồng thời ở cả hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp và dễ áp dụng.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ. (Ảnh: DUY LINH)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ.
Rà soát để tránh chồng chéo, gây khó khăn khi thực hiện
Góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) cho biết, có sự chồng lấn về một số quy định giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gây khó khăn, trùng lặp trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 43 của dự thảo Luật Đường bộ quy định, Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh là nơi thu thập, lưu giữ, phân tích và xử lý dữ liệu để kết nối, chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động chỉ huy giao thông.
Còn theo quy định tại Khoản 2, Điều 69 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Trung tâm chỉ huy giao thông là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin, tình hình giao thông thuộc Vụ chỉ huy điều hành giao thông.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là các thông tin cần phải thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu của hai loại Trung tâm này để tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực.
Về một số nội dung được quy định đồng thời trong 2 dự thảo luật như việc vận chuyển hành khách bằng xe ô-tô và việc vận tải, đưa đón học sinh bằng xe ô-tô, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô-tô vận chuyển hành khách…, đại biểu nhận định việc tổ chức thực hiện mà phải áp dụng cả 2 luật có thể dẫn đến khó theo dõi và khó thực hiện.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tích cực rà soát 2 dự án luật này để xử lý các vướng mắc nêu trên, bảo đảm thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)
Có chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, đồng thời dễ áp dụng.
Góp ý về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô-tô, đại biểu đánh giá, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết, vì trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh.
Cho rằng các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định: hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô-tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.
Cần quy định rõ về loại hình kinh doanh vận tải sử dụng công nghệ
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, về kinh doanh vận tải bằng ô-tô, dự thảo luật nêu rõ, kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)
Kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô là loại hình kinh doanh có điều kiện bao gồm kinh doanh vận tải có hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô-tô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô-tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo Luật mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô.
Theo đại biểu, như vậy, dự thảo luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ, vốn được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù, ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo luật. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ để tạo cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này ngay trong dự thảo luật.
Ngoài ra, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.
Cần chính sách cụ thể đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho rằng dự thảo luật cần có quy định thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Đại biểu nêu rõ, tại khoản 1 Điều 5 về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, với nội dung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vùng dân tộc thiểu số, dự thảo luật đề cập nhiều hơn về các chính sách cụ thể để hỗ trợ cải thiện đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Tuy nhiên, theo đại biểu, ban soạn thảo cần nghiên cứu để đề xuất thành các chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, chẳng hạn như: có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư xây dựng đối với hạ tầng giao thông tại các khu vực và việc huy động xã hội hóa.
Trường hợp các quy định trong dự thảo luật đã có nội dung liên quan, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo giải thích rõ hơn về tác động tích cực của các quy định đối với việc cải thiện điều kiện giao thông ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số trong quá trình thi hành luật.
Về sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về cơ chế kiểm soát hoạt động của người sử dụng đất trên phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp.
Về vận tải hành khách bằng xe ô-tô, đại biểu đề nghị có giải pháp và chế tài để gắn chặt chẽ hơn nữa gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lái xe bị vi phạm; đồng thời bổ sung quy định về Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế phối hợp lưu trữ những thông tin hồ sơ của những lái xe dương tính với chất ma túy để có thể chia sẻ đối với đến với tất cả các đơn vị chức năng, doanh nghiệp để kiểm tra khi tuyển dụng.
Nguồn:https://nhandan.vn/bao-dam-tinh-thong-nhat-giua-luat-duong-bo-va-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-post784226.html
Ý kiến ()