Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngày 4-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 12. Buổi sáng, QH nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) (sửa đổi) và thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau. Buổi chiều, QH thảo luận tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và dự án Luật Hải quan (sửa đổi).
Ngày 4-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 12. Buổi sáng, QH nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) (sửa đổi) và thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau. Buổi chiều, QH thảo luận tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và dự án Luật Hải quan (sửa đổi).
Chỉ rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân và chế tài xử lý
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật THTK, CLP (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm trong trường hợp không xử lý hành vi lãng phí.
Các đại biểu ghi nhận, vừa qua, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm trực tiếp, liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về THTK, CLP; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về THTK, CLP theo thẩm quyền. Đặc biệt, đã bổ sung vào dự thảo Luật Trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật THTK, CLP để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý. Các đại biểu: Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang)… cho ý kiến về nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu (được quy định tại Điều 7) và xử lý trách nhiệm cụ thể (quy định tại Điều 78) của dự thảo Luật.
Nhiều ý kiến đề nghị gom các điều, khoản xử lý vi phạm nhằm tránh trùng lặp, và cần cụ thể hơn về việc xử lý đối với từng hành vi vi phạm quy định của Luật. Đóng góp thêm về vấn đề này, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, tại Điều 7 của dự thảo Luật đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu khi gây ra hậu quả lãng phí, mặt khác dự thảo Luật cần quy định điều, khoản riêng về vai trò giám sát của cộng đồng vào việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Một số đại biểu chỉ rõ, những hiện tượng gây lãng phí lớn cho xã hội như tình trạng cấp phép tràn lan xây dựng trường học, ngân hàng, bệnh viện, các dự án bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, thủy điện và các công trình khác không phù hợp gây lãng phí lớn về tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân nhưng chưa được dự thảo Luật quy định làm rõ trách nhiệm. Để ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi gây lãng phí, đề nghị Luật cần quy định các loại hành vi vi phạm và chế tài xử lý, cần cụ thể hóa quy định mức độ vi phạm xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật để áp dụng. Theo đại biểu Nguyễn Kim Bé (Kiên Giang), Triệu Là Pham (Hà Giang) và một số đại biểu khác, về xử lý vi phạm, theo Bộ luật Hình sự hiện nay chưa có quy định về tội lãng phí, nên không có căn cứ để thực hiện. Vì vậy, đề nghị Quốc hội sớm đưa chương trình sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự để làm căn cứ xác định và xử lý tội phạm gây lãng phí.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của tính công khai và việc giám sát của luật khi đưa vào cuộc sống. Luật cần quy định cụ thể việc trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức có vi phạm lãng phí (được nêu trong điểm c, khoản 3, Điều 5) ngoài việc trả lời bằng văn bản cho người phát hiện, cần bổ sung thêm việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức trả lời cho cơ quan thông tin, báo chí đã đưa tin về các hành vi lãng phí xảy ra trong cơ quan, tổ chức của mình.
Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cần quy định thêm về thời hạn cụ thể cho việc trả lời người phát hiện và cơ quan thông tin, báo chí. Bởi vì, nếu luật không quy định cụ thể về thời hạn dễ dẫn đến việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện theo quy định.
Chống lãng phí khi đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh
Buổi chiều, thảo luận tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, hiệu quả sử dụng tuyến đường này như hiện nay là lãng phí, phương tiện lưu thông trên tuyến đường còn ít, kinh phí duy tu bảo dưỡng lớn…
Nên vấn đề cần quan tâm là cần khai thác đường Hồ Chí Minh hiệu quả hơn nữa để phát triển kinh tế. Trong đó, cần xây dựng đề án phân luồng các loại phương tiện để giảm tải cho quốc lộ 1A, xây dựng các trạm, các đường “xương cá”… có sự hỗ trợ để nâng cao hiệu suất sử dụng tuyến đường này.
Đại biểu Thạch Dư (Trà Vinh), Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) khẳng định sự cần thiết phải đầu tư cho tuyến đường này. Trong thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương đã khai thác được tiềm năng kinh tế, du lịch khi có đường Hồ Chí Minh, đời sống của người dân được cải thiện…
Đồng thời, đề nghị QH thông qua dự án, nhưng cần xác định rõ quy mô từng tỉnh, từng vùng để ưu tiên nguồn vốn, phát huy hiệu quả sử dụng, không lãng phí. Đại biểu Ngô Văn Dụ (Vĩnh Phúc) cho rằng, đánh giá hiệu quả đường Hồ Chí Minh phải nhìn tổng quan, trước mắt và lâu dài. Việc triển khai tiếp tuyến đường cần đặt trong tổng thể việc phát triển tuyến đường bộ bắc – nam. Hiện nay, chúng ta đang đồng thời triển khai nhiều tuyến đường, như: quốc lộ 1A mở rộng, tuyến đường biển, đường tuần tra biên giới… Vì vậy, trong tình hình khó khăn, cần tính toán kỹ việc đầu tư xây dựng để đáp ứng yêu cầu phát triển các tuyến, đồng thời bảo đảm được nguồn vốn.
Về dự án Luật Hải quan (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan cải cách thủ tục hải quan; phòng, chống buôn lậu, tăng cường bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh kinh tế… Nhiều đại biểu đề nghị, trong dự thảo Luật lần này, cần tăng cường thẩm quyền của Tổng cục Hải quan trong kiểm soát việc chuyển giá để chống thất thu thuế. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), đại biểu Trần Đình Sơn (Đác Lắc) cho rằng, ngành hải quan cần phối hợp cùng các ngành khác, như tài chính, công thương để chống việc chuyển giá của các tập đoàn, doanh nghiệp khi nhập khẩu, vì đây là cơ quan nắm giá rõ nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường lực lượng hải quan để làm tốt công tác tạm nhập, tái xuất…
Tăng cường thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới..
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng).
Chưa có người chịu trách nhiệm về những quyết định gây lãng phí.
Trong thực tế, có nhiều công trình, dự án như mía đường, xi-măng lò đứng, sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi, chợ… hằng ngày được phản ánh là thiếu vốn; công trình không sử dụng được hoặc không được sử dụng; sản xuất bị lỗ hoặc không sản xuất được; hoạt động cầm chừng theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”. Nguyên nhân là các quyết định đầu tư những công trình này thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế – xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn… dẫn đến tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng mà không phát huy tác dụng. Dù hậu quả thấy rất rõ, nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm và cũng chưa thấy một văn bản nào chỉ ra trách nhiệm của người ra quyết định đó là gì?.
Đại biểu Trần Xuân Hòa (tỉnh Quảng Ninh).
Nền kinh tế có cạnh tranh được hay không, chính là ở hạ tầng.
Đường quốc lộ, về nguyên tắc, phải cho xe trọng tải 40 tấn đi. Nhưng hiện nay, đường xuống cấp mà chúng ta chưa có vốn. Do vậy, Chính phủ đang đề nghị phát hành thêm vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp làm đường theo đúng tiêu chuẩn. Anh nào đi vượt trọng tải, thì đương nhiên bị phạt, nhưng đường không phải chỉ làm cho xe 15-20 tấn đi. Vì hiện nay, đường xuống cấp, cho nên chúng ta buộc phải yêu cầu giảm trọng tải của xe. Tôi nghĩ đấy là bài toán đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, chứ không chỉ Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam bị ảnh hưởng vì vấn đề trọng tải. Nền kinh tế Việt Nam có cạnh tranh được hay không, chính là ở hạ tầng.
Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán hạ tầng, và một trong những lý do mà nhiều đại biểu QH ủng hộ cho Nhà nước phát hành trái phiếu đợt này, đó chính là cần nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng. Nếu không hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, thì đây là một điểm nghẽn của nền kinh tế chúng ta.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang).
Rà soát, giải thể các quỹ tài chính hoạt động kém hiệu quả.
Trong thực tế hiện nay, chúng ta cho thành lập nhiều quỹ tài chính có nguồn từ ngân sách nhà nước, nhưng sử dụng kinh phí kém hiệu quả, gây lãng phí, cơ chế tài chính không rõ ràng, kinh phí đem gửi ngân hàng thương mại, trong khi ngân sách nhà nước bội chi, phải đi vay. Do đó, đề nghị ngoài quy định về việc thành lập mới các quỹ trong dự thảo luật, cần quy định việc giải thể các quỹ từ nguồn ngân sách nhà nước hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()