Bảo đảm tính khoa học, toàn diện trong đổi mới chương trình, SGK phổ thông
Hôm qua, 20-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII, sang ngày làm việc thứ 27. Buổi sáng, các đại biểu biểu quyết thông qua hai Luật: Tổ chức QH (sửa đổi) và Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi); thảo luận tại hội trường về Ðề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Buổi chiều, QH thông qua hai Luật: Căn cước công dân và Hộ tịch; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn.
Không có lợi ích nhóm trong đề án đổi mới chương trình, SGK
Ðầu giờ làm việc buổi sáng, với 432 đại biểu tán thành, bằng 86,92% tổng số đại biểu, QH biểu quyết thông qua Luật Tổ chức QH (sửa đổi). Luật BHXH được QH thông qua với 355 đại biểu tán thành, tương đương 71,43% tổng số đại biểu.
Sau phần biểu quyết thông qua hai luật nêu trên, các đại biểu đã thảo luận về Ðề án đổi mới chương trình, SGK. Theo đó, đa số đại biểu nhất trí việc ban hành chương trình và SGK mới là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, khuyến khích khả năng sáng tạo và học tập suốt đời. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo nên làm đúng chức năng của mình là quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, chỉ xây dựng chương trình chứ không nên trực tiếp tổ chức biên soạn một bộ SGK. Ðại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng yêu cầu làm rõ lộ trình triển khai thực hiện việc đổi mới cũng như cân nhắc thời gian trong thực nghiệm chương trình trên quy mô nhỏ, trước khi áp dụng đại trà, tránh rủi ro.
Giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu QH, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Việc biên soạn chương trình SGK là công việc mang tính khoa học, liên quan nhiều lĩnh vực. Việt Nam chưa có đội ngũ chuyên gia cũng như bộ máy tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về chương trình SGK. Cách làm hiện nay là huy động các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia biên soạn. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã cử chuyên gia và cán bộ đi học về chương trình phát triển sách giáo khoa, khi đủ điều kiện sẽ báo cáo Chính phủ cho thành lập Viện Nghiên cứu chương trình và SGK.
Ðối với băn khoăn của các đại biểu về việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức biên soạn, thẩm định sách, có thể dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: Bộ Giáo dục và Ðào tạo chưa bao giờ trực tiếp và cũng sẽ không trực tiếp viết SGK. Việc này do các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia thực hiện. Bộ chỉ tổ chức bộ máy vận hành, lựa chọn nhân sự, tập huấn bổ sung những thông tin cần thiết khi viết sách; ban hành những văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quá trình biên soạn, thẩm định, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho nhóm viết sách… Bộ trưởng khẳng định: Không có tính cục bộ, lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm khi triển khai đề án. Phương án xã hội hóa viết sách giáo khoa do chính Bộ Giáo dục và Ðào tạo đề xuất, Chính phủ thảo luận quyết định trình QH. Với những ý kiến băn khoăn về tính khả thi của đề án trong điều kiện thực tế hiện nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ, đây là vấn đề được cân nhắc nhiều ở cả Bộ và Chính phủ, BCH T.Ư Ðảng. Thực tế, thời gian qua, cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo được bổ sung và cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn còn bất cập, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo. Ðể đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục, Chính phủ đã phê duyệt 18 đề án liên quan những lĩnh vực khác nhau, trong đó có đề án về cơ sở vật chất, trang, thiết bị; đội ngũ giáo viên; đổi mới trường sư phạm…
Lấy phiếu tín nhiệm là kênh quan trọng để đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ
Ðầu giờ làm việc buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Căn cước công dân (CCCD), với sự đồng ý của 76,66% tổng số đại biểu QH. Tiếp đó, QH biểu quyết thông qua Luật Hộ tịch với 75,65% tổng số đại biểu QH nhất trí.
Trong phiên làm việc, QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
QH đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết này. Ðề cập thời điểm lấy phiếu, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, từ kỳ họp thứ sáu đến kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, QH đã tiến hành hai lần lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, sau mỗi lần lấy phiếu, không khí, tinh thần làm việc tốt hơn; nhiều bộ trưởng, trưởng ngành sau khi được lấy phiếu có số phiếu tín nhiệm thấp, nhưng đã phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao, làm chuyển biến lĩnh vực bộ, ngành mình quản lý, thực hiện, được dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Vì vậy, các đại biểu đề nghị, cần chọn thời điểm lấy phiếu tín nhiệm một nhiệm kỳ hai lần vào cuối năm thứ hai và cuối năm thứ tư tạo điều kiện cho người được lấy phiếu phấn đấu vươn lên.
Về mức lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, nên quy định ba mức như dự thảo Nghị quyết là phù hợp (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp), để mỗi người được lấy phiếu tự nhìn nhận, đánh giá bản thân, xác định phương hướng phấn đấu tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) lại cho rằng, nên quy định hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm, như vậy là đủ điều kiện để người được lấy phiếu nắm bắt tình hình, nhìn lại mình, từ đó có phương hướng khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Về hệ quả đối với người được lấy phiếu, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) và một số đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định theo hướng người được lấy phiếu, bỏ phiếu có quá nửa số người bỏ phiếu không tín nhiệm thì nên từ chức, nếu không từ chức thì đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định bãi nhiệm, cách chức đối với người đó.
PV
Trong các lần biên soạn chương trình, SGK trước đây ở Việt Nam, lực lượng tham gia biên soạn không nhiều do yêu cầu rất cao về mặt khoa học. Thời gian tập trung viết sách rất dài, cho nên nhiều người không có điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đãi ngộ cho người viết chương trình và SGK cũng chưa thỏa đáng. Lần này, theo dự báo, lực lượng tham gia viết SGK còn ít hơn do chúng ta làm sách theo cách tiếp cận phát triển năng lực, chứ không như trước đây là truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo PHẠM VŨ LUẬN
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()