Bảo đảm tiến độ, chất lượng 6 dự án cao tốc và đường dây 500 kV mạch 3
Chiều 17/2, tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình về tình hình triển khai 6 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua 3 tỉnh này và dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình chiều 17/2 – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện (EVNNPT), các ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu các dự án.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa việc triển khai các dự án cao tốc đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt và Bãi Vọt-Hàm Nghi, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối; tặng quà, động viên cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc trên công trường các dự án.
Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phát biểu tại cuộc làm việc – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại cuộc họp, các đại biểu đã báo cáo về tình hình giải phóng, bàn giao mặt bằng, thi công các dự án; nêu các khó khăn, vướng mắc, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới và các đề xuất, kiến nghị.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 519 km nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Các dự án này đều khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024.
Đường dây này được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 6/2024, để tăng cung ứng điện cho miền Bắc, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như cao điểm hè năm 2023.
Theo báo cáo của EVN, sau chuyến kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ trong hai ngày 27-18/1 vừa qua, công tác thi công được triển khai đồng loạt trên toàn tuyến; nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã được các đơn vị phối hợp giải quyết.
Đến nay, tổng cộng đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1.114/1.180 (94%) vị trí móng cột. Toàn bộ dự án có 226 gói thầu, đến nay cơ bản đã được ký hợp đồng (chỉ còn 4 gói thầu đang tiến hành nốt thủ tục trong vài ngày tới).
Riêng từ ngày 28/1 đến hết ngày 16/2/2024 đã hoàn thành đúc móng thêm 38 vị trí, triển khai thi công thêm 421 vị trí móng; bàn giao thêm 733 vị trí móng cột.
Tiến độ cụ thể của toàn dự án và từng dự án thành phần.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay với dự án là thủ tục chuyển đổi đất rừng, quy định tác động vào rừng để mở đường tạm phục vụ thi công của từng dự án thành phần; công tác thi công có những khó khăn về huy động máy móc thiết bị…
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục nỗ lực, phát huy trách nhiệm cao nhất, vì đất nước, vì nhân dân, phấn đấu hoàn thành các công trình đúng tiến độ – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình gồm 06 dự án thành phần.
Trong đó, giai đoạn 2017-2020 có dự án Diễn Châu (Nghệ An)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đầu tư theo hình thức BOT, chiều dài 49,3 km, với tổng mức đầu tư 13.339 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến 3 năm. Dự án này đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; giá trị sản lượng của các nhà thầu là 6.157/8.595 tỷ đồng, tương đương 72% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên tiến độ một số hạng mục chưa đáp ứng được yêu cầu, còn khoảng hơn 6 km nền đường phải chờ lún đến tháng 4-9/2024 mới đủ thời gian dỡ tải, dự án có nguy cơ không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành 30/4/2024).
Còn giai đoạn 2021-2025, đầu tư đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh)-Cam Lộ (Quảng Trị) gồm 05 dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản, đầu tư theo hình thức đầu tư công có tổng chiều dài 259 km, tổng mức đầu tư hơn 49.207 tỷ đồng, triển khai thi công từ ngày 01/01/2023, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Với 5 dự án này, diện tích mặt bằng đã bàn giao đến nay đạt 94% nhưng chỉ tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng 210/226,6 km, đạt 93%. Tỉnh Hà Tĩnh có tỉ lệ mặt bằng bàn giao đủ điều kiện thi công cao, đạt 99%. Tỉnh Quảng Bình công tác bàn giao mặt bằng còn chậm, đạt 88%. Phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Ngay sau khi khởi công 5 dự án, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực để tổ chức thi công. Đến nay các đơn vị đã huy động 2.118 máy móc thiết bị các loại, 5.137 nhân sự thi công, 114 nhân sự tư vấn giám sát và tổ chức 222 mũi thi công (123 mũi thi công cầu, 99 mũi thi công đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến).
Đến nay, sản lượng thực hiện 5 dự án khoảng 8.329/30.410 tỷ đồng, đạt 27,4% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Một số dự án đoạn Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh có tiến độ triển khai tốt.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Bình (đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ) còn 02 đoạn đường Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 3,1 km chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để thi công đường hoàn trả phục vụ thi công tuyến chính. Công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư (tại Quảng Bình), di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống điện cao thế (tại Hà Tĩnh) chậm so với tiến độ đề ra. Thời gian khai thác cát theo quy định từ 7h-17h hàng ngày do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu thi công “3 ca, 4 kíp” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tính chung cả 6 dự án cao tốc trên, năm 2023 đã giải ngân được 47.199/47.881 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch giao.
Các chủ đầu tư và địa phương nêu một số kiến nghị liên quan tới các dự án cao tốc nói trên như đầu tư ngay nhánh trái hầm Thần Vũ và 5 km cầu để kết nối (trên đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt) (giai đoạn 1 hiện nay chỉ xây dựng nhánh phải hầm, còn nhánh trái dự kiến đầu tư sau); chuyển một số đoạn sang xây cầu cạn trên địa bàn Quảng Bình; xây dựng thêm các nút giao (như nút giao kết nối với Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An) để mở ra không gian phát triển mới, phát huy tối đa hiệu quả dự án.
Các cơ quan cũng kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan đến tác động vào rừng theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà động viên cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường dự án cao tốc đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyển biến rõ nét sau các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh mục tiêu của chuyến kiểm tra và cuộc làm việc là để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường phương thức các thành viên Chính phủ về làm việc với địa phương, gắn kết chặt chẽ hơn giữa Trung ương và địa phương, phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn giữa các cơ quan trong triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia theo tinh thần khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết. Sau cuộc họp, Phó Thủ tướng và các bộ, ngành sẽ báo cáo đầy đủ với Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đã có những tiến bộ, chuyển biến tích cực trong triển khai các dự án nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự trách nhiệm, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu và đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động tham gia các dự án.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng quà của Thủ tướng Chính phủ và động viên cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các chủ thể liên quan, đặc biệt là của cấp ủy, chính quyền 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và sự ủng hộ của người dân 3 tỉnh để việc giải phóng mặt bằng các dự án đạt kết quả cụ thể.
Các dự án trong quá trình triển khai có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay đã lấy lại được tiến độ, đang tăng tốc, khối lượng công việc đã làm được là rất lớn. Với khí thế trên công trường, Phó Thủ tướng nhận định các dự án có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiến độ rất gấp của các dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát… tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các dự án cao tốc và đường dây 500 kV mạch 3, theo đúng tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, vượt nắng, thắng mưa, làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên Tết”, bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật các dự án, bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các địa phương chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn nơi triển khai dự án.
Phó Thủ tướng trao đổi với các đơn vị liên quan khi kiểm tra thực địa dự án – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về các vướng mắc liên quan tới đất rừng, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, trong đó có phần diện tích tăng thêm; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp sớm nhất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ xem xét, xử lý vướng mắc liên quan quy định tác động vào rừng để làm đường tạm thi công các dự án (sau khi làm xong dự án sẽ trả lại đất rừng), trước mắt trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về nội dung này trong tuần cuối cùng của tháng 2/2024; sau đó tiếp tục trình sửa đổi ban hành Nghị định 156 và các quy định liên quan để giải quyết căn cơ.
Các bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng với chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương sớm hoàn thành giải phóng, bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc và đường dây điện theo tiến độ đã giao. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, có hướng dẫn chung cho các địa phương với các trường hợp gặp khó khăn khi xác định chủ sử dụng đất.
Trước đó, sáng 17/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt tại vị trí nút giao với Quốc lộ 46B – Ảnh: VGP/Nhật Bắc- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý các vướng mắc liên quan tới di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có công trình đường điện cao thế (Bộ Công Thương chỉ đạo EVN phối hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị liên quan để làm việc này).
Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu thi công cao tốc, trong đó có vật liệu mới là cát biển.
Riêng với đường dây 500 kV mạch 3, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động nhân lực, vật liệu tại chỗ trong quá trình thi công. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao sớm trình Thủ tướng điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất công trình năng lượng cho các địa phương.
Phó Thủ tướng kiểm tra thực địa thi công dự án 500 kV Quảng Trạch-Quỳnh Lưu – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Liên quan tới các dự án cao tốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, ủng hộ đề xuất của các địa phương liên quan với việc xây dựng thêm các nút giao; đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền cập nhật, bổ sung quy hoạch; tính toán nguồn lực, cơ chế vốn để triển khai xây dựng các nút giao bảo đảm hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo tiến độ thi công đường điện 500 kV Quảng Trạch-Quỳnh Lưu thuộc dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về đề xuất đầu tư ngay nhánh trái hầm Thần Vũ và cầu kết nối (tổng kinh phí triển khai khoảng 1.400 tỷ đồng), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ ủng hộ về chủ trương bởi việc này cần thiết, nhưng cần có sự đồng thuận của tất cả nhà đầu tư và thu xếp được nguồn vốn. Phó Thủ tướng yêu cầu các chủ thể, nhất là chủ đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán hiệu quả tổng thể, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Công tác thi công đường dây 500 kV mạch 3 được triển khai đồng loạt trên toàn tuyến – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các cơ quan xem xét kỹ đề xuất điều chỉnh thiết kế một số đoạn cao tốc sang cầu cạn, nếu thực sự cần thiết thì điều chỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục nỗ lực, phát huy trách nhiệm cao nhất, vì đất nước, vì nhân dân, phấn đấu hoàn thành các công trình đúng tiến độ, trong đó có một số công trình vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025).
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()