Bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời và chống thất thu thuế trong thương mại điện tử
Trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn, Quốc hội đề nghị Chính phủ bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời và chống thất thu thuế trong thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sáng 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Kết quả, có 472/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 97,12% tổng số đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, tinh thần xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước.
Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số nội dung lớn như sau.
Huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển các ngành kinh tế biển
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chính phủ cần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo; phát triển các khu bảo tồn biển; xây dựng, triển khai Đề án kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ở khu vực ven biển, trên đảo; huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển các ngành kinh tế biển, đặc biệt là các ngành kinh tế biển mới.
Tập trung triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và sử dụng thất thoát, lãng phí, không hiệu quả tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá trong bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.
Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; tăng cường công tác quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai; ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực thu gom nước thải, nạo vét, khơi thông dòng chảy, cải tạo cảnh quan tại các dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng; ưu tiên triển khai việc xử lý, phục hồi sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ - Đáy.
Khẩn trương có lộ trình, giải pháp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề đang hoạt động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Hằng năm, bảo đảm tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 93% đến 95%.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Địa chất và khoáng sản tại Kỳ họp thứ 8 bảo đảm chất lượng; tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm để bảo đảm tiến độ các quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đã được phê duyệt.
Nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tác động môi trường về việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng đối với một số dự án giao thông, bảo đảm nguyên tắc không gây nhiễm mặn cho các khu vực lân cận; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.
Hoàn thiện quy định xác thực tài khoản người bán hàng online
Đối với lĩnh vực công thương, Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử.
Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, người bán hàng trong giao dịch trên không gian mạng; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong thương mại điện tử; đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát các trang mạng, ứng dụng thương mại điện tử và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời và chống thất thu thuế trong thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường ngoài nước gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hàng hoá; nâng cao năng lực cơ quan đại diện thương vụ, xúc tiến thương mại, cập nhật kịp thời quy định, chính sách của các thị trường ngoài nước, thông tin, khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu.
Chú trọng công tác thông tin, cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp ứng phó, bảo vệ lợi ích trong các vụ kiện; kịp thời áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, nhất là đối với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chủ lực, theo quy định và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); cải cách thủ tục hành chính, vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua mạng và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thể dục, thể thao
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Quốc hội đề nghị tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về văn hoá trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án đã được ban hành, nhất là bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ngăn ngừa nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người và phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao, chú trọng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù; khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về chế độ tiền lương, phụ cấp nghề, chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng tập luyện và các ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên tài năng, nhân tài trong lĩnh vực thể dục, thể thao và vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, chuyên nghiệp; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và việc thực hiện Luật Du lịch số 09/2017/QH14. Triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, thương hiệu du lịch vùng và thương hiệu điểm đến du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam.
Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận kiểm toán
Đối với lĩnh vực kiểm toán, Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm; cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán; thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là làm rõ, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị đã tồn đọng nhiều năm.
Đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với việc các Đoàn Kiểm toán đưa ra kết luận, kiến nghị không đầy đủ căn cứ pháp lý, thiếu bằng chứng; thực hiện công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Đối với các Bộ, ngành địa phương, đơn vị được kiểm toán, Quốc hội đề nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công; thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính, xử lý khác và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm, gây thất thoát ngân sách nhà nước và tài sản nhà nước.
Ý kiến ()