Bảo đảm thông tin vững chắc cho chiến đấu
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngay từ những trận đánh đầu tiên trên chiến trường Việt Bắc, lực lượng thông tin của các đơn vị chủ lực chỉ là những phân đội nhỏ, trang bị phương tiện còn hạn chế, lạc hậu, nhưng đã biết kết hợp, tận dụng khai thác hệ thống thông tin hữu tuyến điện tại chỗ, phát huy được khả năng của thông tin nhân dân trong khu vực diễn ra trận đánh, nên đã bảo đảm thông tin chỉ huy các trận phục kích, tập kích quân địch hành quân trên Đường số 4 và chuyển quân trên sông Lô giành thắng lợi. Ở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ta đã huy động được một số lượng lớn dân công và nhân dân cùng với các phân đội thông tin chủ lực đào các đường dây bọc hữu tuyến điện, tháo gỡ hàng rào dây thép gai ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản mà địch rút chạy bỏ lại và vận động nhân dân tháo gỡ dây phơi bằng dây đồng, dây sắt ủng hộ bộ đội để làm dây thông tin, bổ sung cho các đơn vị thông tin phục vụ chỉ huy chiến đấu trong các trận đánh Him Lam, Đồi A1…
Lực lượng Thông tin Trường Sơn bảo đảm thông suốt, bí mật 10.000km đường dây trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu |
Trong kháng chiến chống Mỹ, việc tổ chức kết hợp khai thác của các lực lượng, phương tiện thông tin bảo đảm cho chỉ huy chiến đấu ở cấp chiến thuật có nhiều thuận lợi. Hệ thống thông tin cấp chiến lược, chiến dịch đã hỗ trợ đắc lực công tác bảo đảm thông tin liên lạc trong các trận đánh. Trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, ngoài phát huy mọi khả năng của lực lượng thông tin trong biên chế (thông tin Trung đoàn 64, Sư đoàn 320; Trung đoàn 66, Sư đoàn 304; Sư đoàn 324), bộ đội thông tin đã kết hợp sử dụng có hiệu quả lực lượng thông tin tại chỗ, có sẵn của Bộ, Mặt trận B4, B5 và Bộ tư lệnh 559 để bảo đảm phục vụ nhiệm vụ của đơn vị từ giai đoạn chuẩn bị đến khi kết thúc các trận đánh giành thắng lợi.
Tại Mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972, các Trung đoàn 174, 886, 335, 148 đã tổ chức sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin trong biên chế; đồng thời kết hợp với các lực lượng thông tin của bạn Lào và dựa vào hệ thống đường trục hữu tuyến điện của chiến dịch để bảo đảm cho các đơn vị liên lạc với cấp trên, hiệp đồng vững chắc giữa các lực lượng đánh địch trên các hướng. Do phát huy được khả năng của các lực lượng, phương tiện thông tin có sẵn trên địa bàn chiến dịch nên từ giai đoạn chuẩn bị chiến trường đến khi kết thúc các trận đánh, thời gian kéo dài 170 ngày đêm, nhưng thông tin liên lạc vẫn thông suốt, đáp ứng tốt yêu cầu chỉ huy.
Từ thực tiễn trên, để phát huy mọi khả năng và kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các phương tiện thông tin trên địa bàn diễn ra trận đánh, tạo thành sức mạnh tổng hợp, bảo đảm thông tin cho chỉ huy chiến đấu đòi hỏi người chỉ huy phải luôn quan tâm đến công tác thông tin liên lạc ngay từ khi làm công tác chuẩn bị và trong suốt quá trình chiến đấu. Cơ quan thông tin cấp trên phải tạo mọi điều kiện cho thông tin cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Cơ quan và người chỉ huy đơn vị thông tin cấp chiến thuật trong mỗi trận đánh phải làm tốt chức năng tham mưu về thông tin cho người chỉ huy binh chủng hợp thành, thực hiện thành thạo công tác tham mưu thông tin trong chiến đấu.
Bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng, phương tiện thông tin trong biên chế, cần phải khéo léo kết hợp, sử dụng khai thác hệ thống thông tin sẵn có trên địa bàn và của các đơn vị bạn, từ đó hỗ trợ hệ thống thông tin của đơn vị mình. Sức mạnh tổng hợp ấy không chỉ thể hiện ở số lượng và phương tiện tham gia, mà còn thể hiện ở phương pháp tổ chức, sử dụng bảo đảm đúng thời cơ, tính năng của từng loại phương tiện thông tin trong từng giai đoạn chiến đấu. Trong trận tiến công diệt địch cố thủ trên cao điểm ở Khau Ang, Khau Luông (Chiến dịch Biên Giới năm 1950), ta chỉ có phương tiện thông tin hữu tuyến điện, thông tin quân bưu (vận động), nhưng đã khéo tổ chức kết hợp, phát huy được sở trường từng loại phương tiện và sử dụng đúng thời cơ, nên thông tin liên lạc bảo đảm chỉ huy kịp thời, góp phần vào thắng lợi của trận đánh…
Ý kiến ()