Bảo đảm Tết đến với mọi nhà, mọi người
Tết là thời điểm quan trọng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là dịp để mọi nhà, mọi người được đoàn tụ, sum vầy đầm ấm bên nhau vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, trong thời khắc chuẩn bị đón chào năm mới, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội mong ước đón một cái Tết đủ đầy nhiều khi vẫn chỉ là ước mơ nhỏ nhoi.
Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Chúng ta đã trải qua một năm 2021 đầy biến động và bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch; một năm mà nỗi đau về sự mất mát vẫn còn chưa nguôi ngoai trong lòng của những người ở lại khi chứng kiến người thân ra đi vì Covid-19. Đây có thể coi là năm đặc biệt khó khăn với nhiều người, trong đó những mảnh đời bấp bênh có lẽ lại càng đau đáu nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” hơn lúc nào hết khi Tết sắp đến gần.
Phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc, nhiều năm qua, các hoạt động thăm, tặng quà người nghèo trong dịp Tết đã góp phần khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan, đơn vị đối với đời sống của nhân dân. Thời gian qua, mong muốn những người nghèo, người yếu thế vơi bớt khó khăn, bữa cơm ngày Tết thêm phần đủ đầy, nhất là trong bối cảnh đại dịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã vận động và triển khai chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”.
Với tinh thần “Ai có gì giúp nấy, người có ít giúp ít, người có nhiều giúp nhiều”, những phần quà thiết thực đã và đang tiếp tục được trao tặng những hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách, hội viên phụ nữ yếu thế, trẻ em…, góp phần hỗ trợ khắc phục khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai, đồng thời động viên, thăm hỏi để giúp đỡ mọi người vui Xuân, đón Tết, từng bước ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Đáng chú ý, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động trong nhiều năm qua, đã được triển khai sâu rộng, thiết thực, được các cấp Hội, đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ hưởng ứng và tham gia tích cực; thu hút sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tạo ra phong trào tương thân, tương ái rộng lớn chăm lo
cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương. Phát huy kết quả đạt được, năm nay phong trào tiếp tục vận động nhân dân cả nước chung tay ủng hộ nguồn lực để hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và người dân bị ảnh hưởng Covid-19 bằng những suất quà Tết thiết thực, lương thực, thực phẩm, khẩu trang, trang phục chống dịch…
Tuy nhiên, do lồng ghép một số chương trình trao quà của nhiều đơn vị và nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau cho nên việc tổ chức trao quà, hỗ trợ trong dịp Tết đôi khi ở nhiều nơi vẫn còn chậm, không đến đúng đối tượng; vẫn có sự chồng chéo trong vận động nguồn lực và đối tượng nhận quà Tết của các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác vận động nguồn lực sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Để góp phần bảo đảm Xuân no ấm, Tết bình an cho người nghèo, người yếu thế trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần triển khai các hoạt động hỗ trợ và trao quà Tết tặng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bảo đảm không chồng chéo, đúng đối tượng, bằng các hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, phù hợp tình hình, diễn biến và chỉ đạo về phòng, chống dịch tại địa phương; cần rà soát lại danh sách hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, những hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh và gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, việc làm để hỗ trợ bà con kịp thời vượt qua giai đoạn khó khăn, bảo đảm Tết đến với mọi nhà, mọi người.
Ý kiến ()