Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động
Từ năm 2005 đến nay, cùng với việc mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lập dự án xây dựng nhà máy với quy mô sử dụng lao động lên tới hàng nghìn người. Nhiều lao động nông nghiệp trong tỉnh sau khi qua các khoá đào tạo được làm việc trong khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, mấy năm gần đây đã xảy ra hiện tượng công nhân đình công gây căng thẳng giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Từ năm 2005 đến nay, cùng với việc mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lập dự án xây dựng nhà máy với quy mô sử dụng lao động lên tới hàng nghìn người. Nhiều lao động nông nghiệp trong tỉnh sau khi qua các khoá đào tạo được làm việc trong khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, mấy năm gần đây đã xảy ra hiện tượng công nhân đình công gây căng thẳng giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Còn chồng chéo giữa các bộ luật
Theo số liệu thống kê, năm 2006, tỉnh Ninh Bình có 806 doanh nghiệp với 40 nghìn lao động. Sau sáu năm, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn nâng lên 2.285 đơn vị với 126.371 lao động, trong đó có 26 doanh nghiệp FDI sử dụng hơn 17.385 người lao động.
Trong số 126.371 người lao động có 48.141 lao động nữ, chiếm 38,1% và số lao động qua đào tạo chiếm 63,5%.
Tại nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động khá hài hòa, ổn định và doanh nghiệp không ngừng phát triển.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa coi trọng việc xây dựng mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động, dẫn tới tình trạng người lao động quay lưng với doanh nghiệp. Cụ thể là hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cùng các ngành chức năng ở địa phương nhận được hàng chục đơn kiến nghị, phản ánh của người lao động về những tranh chấp về quyền lợi lao động như tăng giờ làm việc, cắt giảm lương, thưởng, tăng định mức khoán công việc… Các tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích chủ yếu phát sinh từ doanh nghiệp FDI, nhưng hai bên không tự thương lượng hòa giải được, cũng không gửi đơn đề nghị hòa giải hay giải quyết đến Hội đồng trọng tài lao động tỉnh hoặc hòa giải viên lao động, dẫn đến xảy ra các vụ đình công không đúng trình tự theo quy định của pháp luật lao động.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tranh chấp giữa người lao động và chủ doanh nghiệp là tuy nước ta có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ về quan hệ lao động, song các quy định về quan hệ lao động chủ yếu hướng về quan hệ hai bên tại doanh nghiệp, ít quan tâm đến quan hệ ba bên ở cấp địa phương. Ðiều này làm hạn chế sự tham gia của đại diện người lao động và người sử dụng lao động vào việc xây dựng chính sách, pháp luật về quan hệ lao động, từ đó quyền và lợi ích chính đáng của họ khi tham gia quan hệ lao động thể hiện sự bất cập.
Bên cạnh đó, việc đối thoại trong quan hệ lao động còn hạn chế, chưa hiệu quả, thương lượng tập thể chưa thật sự được chú trọng, còn hình thức và chưa đạt hiệu quả. Người lao động muốn vào làm việc tại doanh nghiệp bắt buộc phải đặt cọc, ký quỹ, nộp văn bằng gốc cho người sử dụng lao động… với mục đích ràng buộc trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp. Ðiều này gây khó khăn khi người lao động muốn lựa chọn một cơ hội việc làm tại cơ sở khác. Ðồng thời, phân biệt đối xử trong nghề nghiệp và việc làm chưa được xóa bỏ trong khi tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, dẫn đến chất lượng đại diện và bảo vệ quyền lợi của người lao động còn thấp.
Cần hoàn thiện chính sách theo cơ chế “bộ ba”
Hoạt động quản lý nhà nước về lao động nói chung, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật lao động nói riêng tuy có nhiều cố gắng song vẫn còn hạn chế, bất cập. Phòng Lao động – Tiền lương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình) đảm nhiệm bốn lĩnh vực công tác mà chỉ có năm cán bộ, thanh tra sở cũng chỉ có bốn cán bộ, trang thiết bị – công cụ phục vụ chuyên môn nghiệp vụ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chế tài xử lý vi phạm tuy đã có và tương đối đầy đủ nhưng chưa đủ sức răn đe.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã tích cực đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng một số cơ quan có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 nhằm khắc phục hiện tượng chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa Bộ luật Lao động với các Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Dạy nghề. Mặt khác, Nhà nước cần xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác lao động, tăng cường trang bị cơ sở vật chất và các phương tiện bảo đảm thực thi công vụ. Xây dựng cơ chế phối hợp “bộ ba” bao gồm: đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, khen thưởng và thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động về quan hệ lao động. Nâng cao chất lượng thẩm định Nội quy lao động và Thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp.
Nhà nước cần quan tâm hơn nữa việc tăng cường năng lực đại diện của tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp. Ðồng thời, cần có cơ chế hợp lý hơn đối với tổ chức đại diện của người sử dụng lao động từ việc cho phép thành lập, tạo môi trường hoạt động của các tổ chức này đến việc lựa chọn và thừa nhận mức độ tham gia của các tổ chức này vào quá trình giải quyết các công việc chung liên quan đến quan hệ lao động.
Cơ chế “bộ ba” là quá trình dân chủ hóa mối quan hệ lao động, chia sẻ quyền lợi và cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong quá trình sản xuất, kinh doanh giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển như hiện nay, cơ chế “bộ ba” nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng ổn định, hài hòa và tiến bộ.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()