Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân
Tuần qua, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận, cho ý kiến các dự án luật quan trọng liên quan bảo đảm quyền con người, quyền công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Trong đó, bước đầu đã cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin, với tinh thần cơ bản bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin - quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề cho việc thực hiện các quyền quan trọng khác đã được Hiến định.
Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân
Trình bày Tờ trình dự thảo luật này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trên thế giới, đến nay đã có khoảng 100 nước ban hành đạo luật riêng quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Thời gian qua, Luật Tiếp cận thông tin được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) xác định là một trong những dự án luật được ưu tiên ban hành trong nhóm dự án luật liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Theo kết quả nghiên cứu, ở nước ta, quyền được thông tin được Hiến pháp năm 1992 (Điều 69) quy định là một trong những quyền cơ bản của công dân. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền này được đổi thành quyền tiếp cận thông tin (Điều 25). Đây là dự án luật đã được bắt đầu chuẩn bị từ nhiều năm trước và cũng đã được Ủy ban TVQH khóa XI (2002 – 2007) cho ý kiến.
Ban Soạn thảo vừa qua đánh giá mức độ nội luật hóa, mức độ tương thích và các yêu cầu cần bảo đảm thực thi trách nhiệm của quốc gia thành viên, đã rà soát gần 20 lĩnh vực pháp luật với hơn 80 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có gần 40 luật, pháp lệnh. Từ thực tiễn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, cũng như xem xét thấu đáo đặc điểm, tình hình ở nước ta, các nhà lập pháp đã đánh giá tác động về khả năng tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong quá trình luật được xem xét thông qua và có hiệu lực, đi vào cuộc sống. Cụ thể, từ cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả từ công chúng tới các hoạt động của cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính, qua đó, các cơ quan này sẽ hoạt động có hiệu quả và trách nhiệm hơn. Hơn nữa, nhiều người cho rằng, trên cơ sở được biết thông tin, người dân mới kịp thời kiến nghị lên các cơ quan nhà nước để hoàn thiện chính sách, pháp luật. Việc phản hồi từ phía người dân sẽ giúp các cơ quan nhà nước cân nhắc, lựa chọn, đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp lòng dân, tăng hiệu quả của chính sách.
Minh bạch trong tiếp cận thông tin
Qua đánh giá tác động về kinh tế, việc tăng cường và mở rộng thông tin cũng có nghĩa là tăng cường và nâng cao tri thức, có thể đem đến những chuyển biến cơ bản trong việc sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Tăng cường tiếp cận thông tin cũng đồng thời giảm cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Việc ban hành luật là tiền đề cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng lên, vì các hoạt động đầu tư chủ yếu dựa vào tính ổn định, sự minh bạch và thông tin thị trường, giảm tham nhũng…
Góp ý về các nội dung cụ thể, một số đại biểu cho rằng, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật nên xây dựng theo hướng bảo đảm việc tiếp cận thông tin thông qua bộ máy nhà nước là phù hợp. Theo các đại biểu: Nguyễn Đình Quyền, Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP Hà Nội), dự thảo không nên chỉ quy định gói gọn là công dân, mà phải là bất kể chủ thể nào, đó là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, cơ quan nhà nước, hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, miễn là không làm phương hại đến các quan hệ xã hội mà Nhà nước bảo vệ. “Không nên tạo ra cơ chế“xin – cho” trong việc tiếp cận thông tin giữa chủ thể có nhu cầu tiếp cận thông tin với chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, vì lý do cơ quan nhà nước không thể đủ năng lực đáp ứng quá nhiều yêu cầu, đề nghị cung cấp thông tin…”. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền và một số đại biểu đề nghị qua việc xây dựng luật, sẽ quy định cụ thể các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu tất cả mọi hoạt động và công khai minh bạch để mọi chủ thể có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng.
Trong quá trình thảo luận tại các phiên họp của Ủy ban TVQH gần đây, và thảo luận tại tổ cuối tuần qua, nhiều ý kiến đại biểu QH mong muốn, hoàn thiện và đưa Luật Tiếp cận thông tin vào cuộc sống, sẽ giải quyết thấu đáo, hiệu quả thực trạng tại nhiều nơi, các cán bộ, công chức thường có tâm lý tránh rủi ro và kiểm soát thông tin, thiếu ý thức và thiện chí trong việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin. Thậm chí, có tình trạng những người có điều kiện, vị trí công tác đã sử dụng thông tin để trục lợi, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội…
Liên hệ với quá trình cho ý kiến vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) và một số luật liên quan, qua xem xét dự án Luật Tiếp cận thông tin, nhiều đại biểu QH nhấn mạnh nhà báo, cơ quan báo chí là những đối tượng có nhu cầu tiếp cận thông tin rất lớn để xác minh sự thật của các vụ việc, sự kiện. Vì vậy, sắp tới, Ban Soạn thảo cần xem xét, cân nhắc bổ sung đối tượng nhà báo, cơ quan báo chí vào đối tượng điều chỉnh của luật này.
Nhà báo là nghề lao động rất vất vả và đầy rủi ro. Lao động báo chí đòi hỏi sự dũng cảm, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thế nhưng, nhiều nhà báo vẫn bị nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, thậm chí bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng… Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) |
Về phương thức lấy thông tin, dự thảo cần có quy định cụ thể về tiến độ cung cấp, đồng thời cũng cần xây dựng chế tài xử lý việc trì hoãn cung cấp thông tin của chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) |
Luật Tiếp cận thông tin được xây dựng dựa trên cơ sở thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp, bảo đảm quyền được thông tin của công dân… Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()