Bảo đảm quyền tác giả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số thư viện
Chuyển đổi số thư viện sẽ khó có thể thành công nếu thiếu việc xây dựng nguồn tài nguyên thông tin mới, nòng cốt là nguồn tài nguyên số. Tuy nhiên, không phải bất cứ tài nguyên thông tin nào cũng có thể số hóa, phục vụ rộng rãi công chúng bởi phải tuân thủ quyền tác giả. Chính vì vậy, bên cạnh sự chủ động, sáng tạo của thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cần sớm hoàn khiện khung chính sách nhằm gỡ khó.
Xung đột giữa các luật chuyên ngành
Chuyển đổi số thư viện là xu hướng tất yếu để thúc đẩy quá trình đổi mới hoạt động thư viện từ truyền thống sang hiện đại, qua đó người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, tri thức. Thay vì mất thời gian, công sức đến tận trụ sở thư viện, công chúng nếu đã đóng phí và trở thành hội viên thư viện, dù ở bất cứ đâu có kết nối internet đều có thể khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin.
Nhiều thư viện đã xây dựng nguồn tài nguyên thông tin dạng số lớn như: Thư viện Quốc gia Việt Nam với hơn 180.000 sách, báo tương đương 10 triệu trang tài nguyên; Thư viện Quân đội với hơn 20.000 tài nguyên; Thư viện Tạ Quang Bửu-Đại học Bách Khoa Hà Nội có hơn 17.700 tài nguyên số luận án, luận văn nội sinh… nhưng người dân vẫn chưa được thoải mái tiếp cận, mà “rào cản” ở đây chính là quyền tác giả mà thư viện bắt buộc tuân theo.
Với nguồn tài nguyên số phong phú, sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thường xuyên tìm đến thư viện. Ảnh: HOÀI THƯƠNG |
Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2022) và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26-4-2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, nêu rõ: Thư viện chỉ được sao lưu không quá 3 bản các tài nguyên vẫn trong thời hạn bảo hộ để phục vụ tại chỗ là chính; người dân đến thư viện chỉ được phép sao chụp tối đa không quá 10% dung lượng; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ; được phép chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị…
Theo đánh giá của các chuyên gia thư viện, các điều luật chưa phù hợp với thời đại khi mà tiếp cận tài nguyên số vẫn phải tới… trụ sở thư viện để sao chụp; chưa khuyến khích các thư viện đẩy mạnh số hóa cũng như người dân khai thác tài nguyên số, đặc biệt là vấn đề liên thông thư viện.
Có thể thấy mục tiêu của thư viện là đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin miễn phí của người sử dụng thông qua việc cung cấp tài nguyên thông tin và các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện. Trong khi đó, quyền tác giả lại hướng đến bảo hộ cho sự sáng tạo của mỗi cá nhân và sự đầu tư cho hoạt động sáng tạo với việc bảo đảm lợi ích vật chất, tinh thần của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: “Vấn đề bản quyền là một trong những yếu tố quyết định đến hướng đầu tư, phát triển của việc số hóa tài liệu, thư viện số. Nếu không có giải pháp tháo gỡ thì việc phát triển thư viện số sẽ chỉ là “ước mơ” và Điều 28 (tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện), Điều 31 (phát triển thư viện số) trong Luật Thư viện năm 2019 sẽ khó triển khai trong thực tiễn”.
Hài hòa lợi ích của các bên liên quan
Thực trạng vi phạm quyền tác giả tràn lan đã làm nhụt chí các tác giả sáng tạo và nhà đầu tư bỏ tiền làm ra các ấn phẩm. Điều quan trọng là mở rộng tối đa việc phổ biến và quyền sử dụng tài nguyên số mà vẫn bảo đảm lợi ích của bên nắm giữ quyền tác giả.
Đối với tài nguyên hết thời hạn bảo hộ bản quyền, thuộc diện Nhà nước đặt hàng, diện trao tặng, cần sớm có quy định số hóa không phải xin phép, có thể sử dụng và truy cập miễn phí. Khi đó, một lượng lớn tài nguyên được phép số hóa và chia sẻ miễn phí. Cho nên, hệ thống thư viện cần chủ động, kết nối để việc tạo lập thư viện số tối ưu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực. Bộ VHTTDL cần có văn bản quy định và hướng dẫn các thư viện xây dựng quy trình phát triển tài nguyên thông tin, thực hiện phân nhóm và xác định tính chất pháp lý của loại tài nguyên thông tin.
Các thư viện cũng cần tăng cường thuyết phục, đàm phán, ký kết thỏa thuận với chủ sở hữu tài nguyên đang trong thời hạn bảo hộ để được cấp phép cho tổ chức, cá nhân sử dụng. Thư viện tỉnh Bắc Ninh đã đàm phán để số hóa một số tác phẩm văn học-nghệ thuật về xứ Kinh Bắc do hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sáng tác. Một số thư viện tỉnh, thành phố đã liên hệ với các nhà xuất bản có kinh doanh sách điện tử để mua bản quyền ấn phẩm mới, kịp thời phục vụ người đọc.
Mấu chốt vấn đề là với các tài nguyên thông tin còn thời hạn bảo hộ, không dễ gì cho phép số hóa, phổ biến rộng rãi. Tiến sĩ Lê Tùng Sơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Tiền bản quyền” là một trong những khái niệm mới được đưa ra trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để bảo đảm nguyên tắc “cân bằng lợi ích” của các bên liên quan”.
Việc bổ sung một số lượng lớn tài nguyên thông tin khiến cho thư viện không thể xác định được chủ sở hữu tác phẩm cũng như không thể làm việc với từng chủ sở hữu để trao đổi, xin phép hay đàm phán về vấn đề “tiền bản quyền” đối với việc số hóa các tác phẩm hiện trong thời hạn bảo hộ quyền tài sản. Giải pháp đặt ra là cần có thêm một tổ chức trung gian-tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực in ấn, sao chép. Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đã có trung tâm đại diện quyền tác giả cho hội viên, tới đây là Hội Xuất bản Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam đã thuyết phục được 1.786 hội viên ủy quyền thu phí tác quyền.
Các tổ chức trung gian này sẽ hỗ trợ cho các thư viện trong việc xin phép, đàm phán, thỏa thuận các khoản chi phí bản quyền đối với các bản sao tác phẩm dạng số. Thông qua quá trình sử dụng (download) các bản sao kỹ thuật số, người sử dụng phải trả khoản phí nhất định để tiếp cận và sử dụng, khoản phí này sẽ được trả cho chủ sở hữu tác phẩm. Cơ chế về thu tiền bản quyền trong hoạt động thư viện cần sớm được thể chế hóa và hướng dẫn trong các văn bản của Bộ VHTTDL trong lĩnh vực thư viện.
Như vậy, trước mắt có hai việc cần làm ngay là ban hành các hướng dẫn của Bộ VHTTDL về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó trọng tâm là phát triển tài nguyên thông tin số của thư viện; kết nối thư viện với tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/bao-dam-quyen-tac-gia-gop-phan-thuc-day-chuyen-doi-so-thu-vien-734952
Ý kiến ()