Bảo đảm quyền lợi của người dân trong thi hành án dân sự
Tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ tám, ngày 3-11, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường. Buổi sáng, QH nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Buổi chiều, QH nghe các Tờ trình về các dự án luật: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Thú y và nghe Báo cáo thẩm tra các dự án Luật nêu trên.
Chính sách về thuế còn gây khó khăn cho doanh nghiệp Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế nêu rõ mục đích của việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế lần này nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng lợi thế của nền nông nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh theo hình thức trang trại, khu nông nghiệp công nghệ cao; trong đó Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế. Tiếp tục bảo đảm đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế…
Thẩm tra dự án luật này, một số ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bốn năm vừa qua, Chính phủ nhiều lần trình QH ban hành Nghị quyết điều chỉnh các chính sách về thuế, dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu ổn định, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ chưa tổng kết, đánh giá tác động của các chính sách này đến nền kinh tế, hệ thống các doanh nghiệp và đời sống của người dân. Trong năm 2014, Chính phủ trình QH sửa đổi, bổ sung các luật thuế này dự kiến mỗi năm giảm khoảng 5.700 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 1.300 tỷ đồng và xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế khoảng 4.800 tỷ đồng là chưa phù hợp với Nghị quyết của QH.
Nâng cao hiệu quả thi hành án Các đại biểu QH đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Về quyền yêu cầu thi hành án (các điều 7, 30, 31) có hai loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị giữ hai cơ chế như quy định của luật hiện hành là cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự, nhằm tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự. Một số ý kiến đề nghị để bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án và cụ thể hóa quy định tại Điều 106 Hiến pháp sửa đổi, thì cơ quan có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án mà không quy định đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Các đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Bởi khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành, trong trường hợp ngườiphải thi hành án không chấp hành thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng quyền lực buộc thi hành. Được như vậy sẽ khắc phục thực trạng ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa… người dân nhận thức về pháp luật còn hạn chế, đi lại khó khăn, nếu không được tư vấn sẽ không biết quy định phải làm đơn yêu cầu thi hành án. Nếu không có đơn thì cơ quan thi hành án không ra quyết định thi hành, đồng nghĩa với việc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không được chấp hành, như vậy chưa thật sự bảo vệ quyền lợi của công dân. Vì vậy, dự thảo luật không cần quy định có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người được thi hành án từ chối hoặc chỉ yêu cầu một phần, hoặc đã tự thỏa thuận thì mới phải làm đơn gửi cơ quan chức năng.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật phải bảo đảm đúng Nghị quyết số 45/2013/QH13 của Quốc hội, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và định hướng cải cách tư pháp. Theo đó, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết, vướng mắc nhất hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, đề cao trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án và các cơ quan liên quan.
Đổi mới hoạt động của chính quyền địa phương Tờ trình Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương nêu rõ những bất cập từ quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Đáng chú ý là: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND và UBND cơ bản giống nhau ở cả ba cấp, chưa thể hiện tính gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương, chưa phân biệt theo đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; một số nhiệm vụ theo luật định, chính quyền cấp xã không có khả năng thực thi. Tổ chức bộ máy, biên chế và điều kiện làm việc của HĐND còn chưa tương xứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đại diện, giám sát và quyết định các vấn đề của địa phương theo luật định. Chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý theo ngành, quản lý theo lãnh thổ và cơ chế phối hợp giữa UBND với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp ở địa phương. Báo cáo thẩm tra dự án luật này nêu rõ: Dự thảo Luật mới quy định trách nhiệm và hình thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân mà chưa quy định thật đầy đủ trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, do vậy, cần quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Về đơn vị hành chính, cần xác định tên gọi của “đơn vị hành chính tương đương” quận, huyện, thị xã. Bởi lẽ, nếu gọi là “thành phố” sẽ tạo ra “thành phố trong thành phố”, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu thiếu thống nhất trong thực tiễn. Tuy nhiên, nếu luật này không quy định tên gọi của “đơn vị hành chính tương đương” mà giao Chính phủ trình QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH quyết định thì sẽ không cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy Ủy ban Pháp luật tán thành trình hai phương án như dự thảo Luật để xin ý kiến đại biểu QH.
Trong buổi chiều hôm qua, các đại biểu QH đã nghe Tờ trình về các dự án luật: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Thú y và nghe Báo cáo thẩm tra các dự án luật này.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị cần cân nhắc việc xóa tiền phạt chậm nộp tiền thuế vì: Bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
(Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế)
Chính phủ đề xuất điều chỉnh thuế với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là giải pháp rất tốt. Việc giảm từ 5% thuế giá trị gia tăng cho đối tượng không phải chịu thuế với sản phẩm nông nghiệp là sự khuyến khích lớn. Bên cạnh đó, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào cho những máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định cũng kích thích sự ra đời của những doanh nghiệp làm trong lĩnh vực nông nghiệp.Tất cả những chương trình, chính sách hỗ trợ nông nghiệp cùng nhằm mục tiêu để thu nhập của người dân ở vùng nông thôn được tốt hơn, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mang tính cạnh tranh hơn.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()