Bảo đảm quyền lợi cho sinh viên diện cử tuyển
Thái Nguyên là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo lớn của cả nước, vì thế ở đây cũng có rất đông sinh viên cử tuyển đang theo học tại các trường đại học hệ chính quy, thuộc Ðại học Thái Nguyên (ÐHTN).
Ðồng chí Bùi Ðức Cường, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tuyển sinh cử tuyển tỉnh Thái Nguyên cho biết: Những sinh viên được tỉnh Thái Nguyên cử đi học theo tinh thần Nghị định 134/2006/NÐ-CP không những được Nhà nước trả học phí, mà còn có lương tháng và không lo xin việc sau khi ra trường. Năm 2013, tỉnh Thái Nguyên đề nghị Nhà nước cho cử tuyển 20 chỉ tiêu đào tạo đại học người dân tộc thiểu số, vì Thái Nguyên rất thiếu bác sĩ vùng cao. Nhìn chung các em được cử đi học, sau khi ra trường đều trở lại địa phương công tác, phát huy tốt năng lực chuyên môn.
Tại ÐHTN, đồng chí Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác học sinh, sinh viên (HSSV) cho biết: ÐHTN hiện có 806 sinh viên diện cử tuyển đang theo học hệ chính quy tại bảy trường. Thời gian đầu học dự bị, có khoảng 80% thi đỗ đại học, còn lại cũng phải học, thi hai lần mới đỗ. Các em được ưu tiên tối đa về sinh hoạt ăn ở, về hạnh kiểm đều tốt, nhưng kết quả học tập còn khiêm tốn, sinh viên khá, giỏi quá ít, chủ yếu là trung bình khá. Tính riêng trong năm 2012, 5/7 trường có sinh viên cử tuyển tốt nghiệp, trong đó, loại giỏi một em, khá 56 em, còn lại tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá; đánh giá học tập, rèn luyện từ khá trở lên đạt 74%. Ðồng chí Nguyễn Tất Thắng chia sẻ: Có thể sinh viên cử tuyển người dân tộc thiểu số, tỷ lệ khá giỏi chưa nhiều, nhưng sau khi tốt nghiệp, được phân công về vùng sâu, vùng xa công tác, các em làm việc rất hiệu quả. Họ thật sự đã mang kiến thức học được về để chữa bệnh, hướng dẫn KHKT chăn nuôi trồng trọt; truyền đạt chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước đến đông đảo người dân miền núi, vùng cao.
Tại Trường đại học Y dược, nơi có đông sinh viên cử tuyển theo học. Thầy Trần Ðức Quý, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy Lê Ngọc Uyển, Phó Trưởng phòng công tác HSSV cho biết: 100% số sinh viên cử tuyển của trường đều đến từ KV1- vùng cao, hải đảo. Trong học tập, các em cử tuyển có đuối hơn so với sinh viên thi tuyển, nhất là thời gian dự bị, nhưng về cuối khóa sự chênh lệch không nhiều. Kết quả học tập, tính đến ngày 15-11-2012, có 103/439 sinh viên cử tuyển xếp loại khá; 10 sinh viên giỏi; 55 sinh viên trung bình khá; 160 sinh viên trung bình; 64 sinh viên yếu. Về phân loại rèn luyện, nhìn chung các em đều đạt yêu cầu. Sau sáu năm học Ðại học Y dược, tốt nghiệp, chúng tôi trả bằng và hồ sơ của các em về nơi cử đi học, chỉ đưa cho các em bằng tốt nghiệp bản sao không công chứng, mục đích để các em không xin việc nơi khác, hoặc lang thang kiếm cớ ở lại thành phố… Qua theo dõi, chúng tôi thấy đa phần các em về làm việc ngay, phát huy hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là ở những khu dân cư rẻo cao, hải đảo, xa trung tâm đô thị.
Em Giàng A Làng, dân tộc Mông, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái – sinh viên cử tuyển học năm thứ 5, chuyên ngành Ða khoa nói: “Ði học đại học em không phải lo gì nhiều. Mỗi năm em nhận được hơn 10 triệu đồng tiền lương, ngoài ra người nhà còn hỗ trợ thêm đủ chi tiêu tối thiểu”. Khi được hỏi về khả năng tiếp thu kiến thức khoa học chuyên ngành y tế, Giàng A Làng nói “Tiếp thu được, có điều chưa xuất sắc lắm và em mong sau này ra trường, được về công tác phục vụ đồng bào quê mình”.
Sinh viên Hà Thị Hợi là người dân tộc Tày, xã Chi Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Hà Thị Hợi học năm thứ sáu, chuyên ngành Ða khoa, nhỏ nhẹ: “Năm nay là năm cuối thi tốt nghiệp ra trường. Em là sinh viên nghèo, rất băn khoăn vì tình trạng nợ học phí chồng chất. Là sinh viên cử tuyển, em và bốn bạn nữa cùng lớp đến giờ này vẫn không có chế độ gì. Em đã về tỉnh Tuyên Quang, đến Sở GD và ÐT hỏi nhưng họ nói không có tên”.
Nối tiếp câu chuyện của các sinh viên cử tuyển, một cán bộ Phòng công tác HSSV, Trường đại học Y dược Thái Nguyên chia sẻ: Trường hợp sinh viên Hà Thị Hợi là có thật. Nguồn gốc là do trường vùng cao cử đi học, mà trường này lại trực thuộc bộ, mà bộ thì to quá, rộng quá, thế cho nên có thể Hà Thị Hợi và một số em khác không có trong danh sách cử tuyển của tỉnh, theo đó cũng không được chi trả kinh phí”.
Trái với hoàn cảnh của Hợi, em Lăng Thị Phương Lan, dân tộc Nùng, xã Tân Long, huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có vẻ thuận lợi hơn. Phương Lan là học sinh trường vùng cao trực thuộc huyện, tỉnh cho nên “có nơi nương tựa”. Phương Lan tâm sự: “Nhà em nghèo, bố mẹ đau yếu liên miên. Em cảm ơn các cấp chính quyền đã tạo cơ hội cho những người như chúng em được học đại học. Ra trường, em sẽ về quê công tác, chữa bệnh cho nhân dân”.
Cử tuyển là chế độ tuyển sinh không qua thi tuyển để đào tạo nhân lực cho các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Chế độ cử tuyển, mang tính chính trị – xã hội rất cao, thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với con em đồng bào các dân tộc miền núi, vì vậy cần được quan tâm hơn nữa để lựa chọn đúng đối tượng và tạo điều kiện học tập tốt cho các em để sau này về phục vụ tốt tại địa phương.
Ý kiến ()