Bảo đảm quyền dân chủ trong việc sửa đổi Bộ luật Dân sự
Ngày 22-9, tại Hà Nội, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Cùng dự, có các Phó Chủ tịch QH.
Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, để chuẩn bị tốt Kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII diễn ra trong thời gian tới, tại phiên họp này, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến đối với nhiều dự án Luật, trong đó, có dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); dự án Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND; dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Đồng thời, cho ý kiến đối với Báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014. Nghe và cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015. Cũng tại phiên họp, Ủy ban TVQH tiến hành chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua.
Sau phiên khai mạc, Ủy ban TVQH thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo Tờ trình của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày, phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự lần này là cơ bản và toàn diện. Dự thảo Bộ luật có tổng số 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều so với Bộ luật hiện hành.
Liên quan phạm vi sửa đổi Bộ luật này, Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, mặc dù Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về quyền sử dụng đất nhưng chỉ tập trung quy định về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mà không quy định cụ thể về các hình thức chuyển quyền sử dụng đất. Do vậy, Bộ luật Dân sự cần bổ sung quy định cụ thể về các hình thức chuyển quyền sử dụng đất.
Về hình thức sở hữu, nhiều ý kiến đề nghị, Bộ luật Dân sự chỉ nên quy định hai hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. Khi tham gia vào các quan hệ dân sự, quyền của chủ sở hữu thuộc các hình thức sở hữu đều được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật, không phụ thuộc vào tính chất sở hữu, thành phần kinh tế, tài sản thuộc sở hữu toàn dân hay tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, được quản lý, sử dụng theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi).
Tại buổi thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, đối với những nội dung đã được sửa đổi trong Hiến pháp, cũng phải được sửa đổi trong Bộ luật Dân sự; trong đó, chú trọng việc mở rộng hơn nữa quyền dân chủ của người dân. Các nội dung sửa đổi cần bảo đảm trên cơ sở kế thừa kết quả của Bộ luật Dân sự hiện hành kết hợp quá trình thực tế thi hành pháp luật và bám sát tinh thần Hiến pháp (sửa đổi).
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()