Bảo đảm quyền có quốc tịch và khai sinh cho phụ nữ, trẻ em trong ASEAN
Hơn 10 năm qua, Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em đã có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường tiếng nói trong bảo vệ, thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ở khu vực. Trong đó, bao gồm các hoạt động hợp tác chặt chẽ với UNHCR kể từ năm 2013 để nâng cao nhận thức và hành động của các nước thành viên ASEAN trong thực hiện các khuyến nghị của Công ước CEDAW và CRC về bảo đảm quyền có quốc tịch và khai sinh cho phụ nữ và trẻ em trong khu vực.
Các đại biểu dự hội thảo tại đầu cầu Hà Nội (Ảnh: Molisa). |
Ngày 21/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khu vực về thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Ủy ban Công ước về quyền trẻ em (CRC) về quốc tịch trong ASEAN.
Hoạt động này do Việt Nam chủ trì trong khuôn khổ Kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) nhằm tiếp nối những nỗ lực của Việt Nam và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) trong việc thúc đẩy quyền quốc tịch cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN từ năm 2013 đến nay. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giữ vai trò cơ quan đầu mối phụ trách hoạt động của ACWC phối hợp Ban Thư ký ASEAN và UNHCR.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, với sự tham dự của đại diện ACWC về quyền phụ nữ và quyền trẻ em, Ban Thư ký ASEAN, Văn phòng đa quốc gia UNHCR tại Thái Lan, đại diện Bộ Tư pháp các nước thành viên ASEAN, các cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN về nhân quyền, đại diện của nhiều cơ quan và tổ chức quốc tế có liên quan.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hà đánh giá cao những nỗ lực của ACWC trong suốt hơn 10 năm qua với nhiều sáng kiến nhằm tăng cường tiếng nói trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN, bao gồm các hoạt động hợp tác chặt chẽ với UNHCR kể từ năm 2013 để nâng cao nhận thức và hành động của các nước thành viên ASEAN trong việc thực hiện các khuyến nghị của Công ước CEDAW và CRC về bảo đảm quyền có quốc tịch và khai sinh cho phụ nữ và trẻ em trong khu vực.
Hơn 10 năm qua, ACWC đã có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường tiếng nói trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN, bao gồm các hoạt động hợp tác chặt chẽ với UNHCR kể từ năm 2013 để nâng cao nhận thức và hành động của các nước thành viên ASEAN trong việc thực hiện các khuyến nghị của Công ước CEDAW và Công ước về quyền trẻ em (CRC) về bảo đảm quyền có quốc tịch và khai sinh cho phụ nữ và trẻ em trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Hà hy vọng, ACWC sẽ tiếp tục nhận được nhiều hoạt động hợp tác và sự hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với những dự án về quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN và ở từng quốc gia thành viên trong thời gian tới, nhằm bảo đảm rằng mỗi phụ nữ, trẻ em sẽ được hưởng đầy đủ các quyền đã được quy định trong Công ước CRC và Công ước CEDAW, vì một Cộng đồng ASEAN không bỏ ai lại phía sau.
Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN Ekkaphab Phanthavong đánh giá, mặc dù các nước thành viên ASEAN đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy quyền quốc tịch thông qua đăng ký khai sinh, cấp giấy tờ và thiết lập quốc tịch, tình trạng không quốc tịch vẫn tồn tại. Theo báo cáo năm 2021 của UNHCR, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 2,4 triệu người không quốc tịch đang cư trú, chiếm 56% dân số không quốc tịch được ghi nhận trên thế giới. Ông hy vọng rằng, hội thảo khu vực hôm nay sẽ tìm ra những cách tốt hơn để vượt qua những trở ngại trong việc bảo đảm quốc tịch cho tất cả phụ nữ và trẻ em trong ASEAN.
Theo báo cáo năm 2021 của UNHCR, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 2,4 triệu người không quốc tịch đang cư trú, chiếm 56% dân số không quốc tịch được ghi nhận trên thế giới.
Tại hội thảo, bà Nivene Albert, Phó Trưởng đại diện Văn phòng đa quốc gia UNHCR tại Thái Lan, cảm ơn sự tham gia của các đại biểu ACWC trong việc chia sẻ những tiến bộ và thách thức của các quốc gia và hy vọng rằng, những chia sẻ này sẽ mang đến những bài học kinh nghiệm có giá trị cho tất cả các nước thành viên ASEAN. Bà cũng hoan nghênh sự tham gia và hợp tác hơn nữa, đồng thời sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ công việc của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN nhằm đạt được các mục tiêu chung trong việc giải quyết vấn đề về quốc tịch và khai sinh.
Cũng tại hội thảo, đại diện các nước thành viên ASEAN cập nhật về tiến độ thực hiện các khuyến nghị được đưa ra trong Báo cáo khu vực về Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc bảo đảm địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN do Việt Nam điều phối xây dựng trong Kế hoạch Công tác của ACWC giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thảo luận về việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CRC và CEDAW về quyền quốc tịch của phụ nữ và trẻ em tại các nước thành viên ASEAN; chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết giấy tờ quốc tịch, hộ tịch cho người không có quốc tịch, người di cư tự do trong thời gian qua; đồng thời đề xuất các khuyến nghị và hoạt động hợp tác đến năm 2025.
Sự kiện tiếp tục diễn ra trong ngày 22/11.
ACWC thành lập vào ngày 7/4/2010 tại Hà Nội, Việt Nam, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16.
Mục tiêu của cơ quan này nhằm thúc đẩy, bảo vệ, tôn trọng và thực thi các quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN để họ được sống hòa bình, bình đẳng, công bằng và thịnh vượng.
Với việc họp định kỳ 2 lần/năm, ACWC bao gồm 20 đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN về quyền phụ nữ và quyền trẻ em, trong đó mỗi nước cử 2 đại diện. Mỗi đại diện ACWC phục vụ nhiệm kỳ ba năm và có thể được bổ nhiệm lại cho nhiệm kỳ thứ hai.
Ý kiến ()