Bảo đảm quyền bào chữa vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc
Được đánh giá là đem lại nhiều tiến bộ cho hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) gần 9 năm qua, song các quy định trong Bộ luật TTHS 2003 về bảo đảm quyền bào chữa vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc không những dẫn đến hạn chế quyền hành nghề của luật sư, mà còn ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, cũng như việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp.Từ nhận thức “cản”Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 5 năm từ 2007 đến 2011, đội ngũ luật sư đã tham gia 64.173 vụ án hình sự (trong đó có 32.752 vụ án do khách hàng mời và 31.421 vụ án theo yêu cầu của cơ quan tố tụng).Tuy nhiên, do mô hình TTHS Việt Nam về cơ bản vẫn là mô hình TTHS thẩm vấn, chưa phân định rõ mối quan hệ giữa các chức năng cơ bản của TTHS. Trên thực tế, việc khởi tố, tiến hành điều tra và đề nghị truy tố vẫn thuộc phần chủ động của cơ quan điều tra, vai trò của Viện kiểm sát có...
Được đánh giá là đem lại nhiều tiến bộ cho hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) gần 9 năm qua, song các quy định trong Bộ luật TTHS 2003 về bảo đảm quyền bào chữa vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc không những dẫn đến hạn chế quyền hành nghề của luật sư, mà còn ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, cũng như việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp.
Từ nhận thức “cản”
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 5 năm từ 2007 đến 2011, đội ngũ luật sư đã tham gia 64.173 vụ án hình sự (trong đó có 32.752 vụ án do khách hàng mời và 31.421 vụ án theo yêu cầu của cơ quan tố tụng).
Tuy nhiên, do mô hình TTHS Việt Nam về cơ bản vẫn là mô hình TTHS thẩm vấn, chưa phân định rõ mối quan hệ giữa các chức năng cơ bản của TTHS. Trên thực tế, việc khởi tố, tiến hành điều tra và đề nghị truy tố vẫn thuộc phần chủ động của cơ quan điều tra, vai trò của Viện kiểm sát có phần thụ động, Tòa án thay vì đóng vai trò là trọng tài khách quan, lại đang trở thành một chủ thể buộc tội. Trong đó, quyền hành nghề của luật sư bị hạn chế một phần do quan niệm, thái độ hợp tác của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây chính là một biểu hiện của việc nhận thức chưa đúng về quá trình dân chủ hóa hoạt động TTHS, dẫn đến khả năng rủi ro trong quá trình hành nghề rất cao.
Ảnh minh họa. (Nguồn: tuoitre.vn). |
Hơn thế, theo Luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam- LĐLSVN), cơ quan tiến hành tố tụng duờng như không thực sự tạo điều kiện cho luật sư hành nghề, nhất là ở giai đoạn điều tra, thể hiện qua việc “ngại” mở rộng quyền của luật sư hay quy định thêm nhiều điều kiện không cần thiết hoặc giải quyết các yêu cầu của luật sư một cách không dứt điểm dẫn đến việc luật sư phải “loay hoay” tìm đường “gỡ”.
Đề cập đến cơ chế tổ chức thực hiện chưa tốt, kiểm sát viên Hoàng Ngọc Cẩn (Trưởng phòng Xét xử phúc thẩm – Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) cho hay: Nếu người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng thực sự áp dụng, chỉ đạo các cấp thực hiện nghiêm túc thì những hạn chế, vướng mắc từ các cơ quan tiến hành tố tụng mà các luật sư đang “than” sẽ giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư phải tôn trọng và hợp tác với nhau trên tinh thần thực thi pháp luật thì sẽ rất hiệu quả. Theo ông Hoàng Ngọc Cẩn, những “cản trở” từ các cơ quan tiến hành tố tụng do nhiều yếu tố như xã hội đang trong sự giao thoa, chuyển biến, tác động đến tư duy người thực hiện, do đó cần phải có chuyển biến trong nhận thức, đặt lợi ích, quyền lợi cơ bản của người dân lên trên.
Mặt khác, địa vị pháp lý của người bào chữa chỉ là người tham gia tố tụng, phạm vi hoạt động thuộc lĩnh vực “bổ trợ tư pháp” nên thực chất luật sư chỉ là người trợ giúp pháp lý mang tính bị động, không có cơ sở cho việc hành nghề một cách bình đẳng và độc lập. Trong một chừng mực nào đó, quyền năng của luật sư là thứ quyền năng phái sinh, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chấp thuận hay không của các cơ quan và những người tiến hành tố tụng.
Luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi của luật sư – LĐLSVN) nhấn mạnh: “Việc sửa đổi BLTTHS phải tạo điều kiện để luật sư tham gia tố tụng có thực chất, quan trọng là phải có quy định và cơ chế bảo đảm luật sư tham gia tố tụng một cách độc lập để thực hiện các quyền của người bào chữa mà không ai được ngăn cản.
Đến Luật làm “khó”
Theo một số luật sư, sự không rõ ràng trong điều luật đã khiến cho tiến trình luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự bị thu hẹp lại, việc sử dụng và bảo đảm quyền bào chữa bị hạn chế, nguy cơ rủi ro trong hành nghề tăng thêm. Trong một hành lang pháp lý chưa thực sự “coi trọng” người bào chữa và quyền bào chữa, luật sư phải đối mặt với nhiều “rào cản” để hành nghề, khiến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhiều khi bị vi phạm, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp.
Tiến sĩ Lê Hữu Thể- Phó Viện trưởng VKSNDTC cũng cho rằng, BLTTHS nước ta còn thiếu một số quyền quan trọng làm cơ sở cho việc bào chữa như: quyền thu thập chứng cứ; quyền phản đối chứng cứ buộc tội… Một số thủ tục tố hiện hành chưa tạo điều kiện để người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án. Mặt khác, khoản 1 điều 58 BLTTHS đã quy định về quyền đưa ra yêu cầu của người bào chữa, nhưng không quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong việc đáp ứng các yêu cầu, đề nghị đó, thiếu thời hạn ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể tiến hành tố tụng này trong việc đáp ứng quyền của người bào chữa được luật định.
Liên quan vấn đề này, TS Lê Hữu Thể kiến nghị, bổ sung một số quyền của người bào chữa để thực hiện tốt chức năng tố tụng của mình như: Quyền thu thập chứng cứ, quyền được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình nhận bào chữa (cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can…); chất vấn, đối chất người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác trong các giai đoạn tố tụng. Thứ hai, cần thay đổi quan niệm về chứng cứ và quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa thay vì chỉ giới hạn quyền của họ đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu như pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm thực hiện yêu cầu tranh tụng bình đẳng, dân chủ tại phiên toà. Nếu có khó khăn trong việc thu thập chứng cứ thì tuỳ theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát, Toà án phải là cơ quan hỗ trợ họ trong việc thu thập chứng cứ như ra lệnh triệu tập nhân chứng hay yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Sơn- Phó Chánh án TANDTC “quyền thu thập chứng cứ, đồ vật, BLTTHS chỉ giành cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, không quy định trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của người tham gia tố tụng, luật sư và người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, có nghĩa là chưa công bằng, bình đẳng và thực chất là chưa trang bị cho họ phương tiện để họ bảo vệ quyền lợi và chưa đảm bảo cho việc tranh tụng”.
Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Sơn đã đề nghị trong Chương V BLTTHS về chứng cứ và thu thập chứng cứ cần quy định cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự có quyền thu thập chứng cứ, để xuất trình cũng như đưa ra thẩm tra, tranh luận tại phiên tòa góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan về vụ án.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến (Phó Tổng Thư ký LĐLSVN) thì đưa quan điểm: “BLTTHS 2003 cần được sửa đổi, bổ sung để đưa những điều luật “chết” trong BLTTHS hiện hành về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa “sống lại”, tạo thêm “đất” cho người bào chữa trong việc bảo vệ pháp chế và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”.
Có thể thấy, những quy định bất cập của Bộ luật TTHS 2003 về quyền bào chữa cần nhanh chóng được sửa đổi để LS trở thành chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Mặt khác, góp phần nâng cao vị thế và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong đời sống và trong hoạt động tố tụng; gia tăng phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm trong quá trình TTHS, trên cơ sở quy định các trình tự, thủ tục một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện cho việc hành nghề được thuận lợi, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của luật sư trong quá trình TTHS.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()