Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong hoạt động tố tụng
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, ngày 14-10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến vào hai dự án luật: Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Thảo luận dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều ý kiến tập trung vào các quy định liên quan vai trò, vị trí của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) được quy định trong dự thảo luật. Nhiều ý kiến cho rằng, Viện KSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, do vậy cơ quan này có quyền tiến hành tố tụng hành chính. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, chức năng của Viện KSND là kiểm sát hoạt động tư pháp, nên nhiệm vụ là kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, không phải là cơ quan tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng hành chính.
Liên quan nội dung này, một số ý kiến đề nghị, ban soạn thảo chỉ rõ vị trí, vai trò của Viện KSND trong dự thảo luật; đồng thời đưa ra quy định cụ thể, bảo đảm phù hợp các quy định của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các luật liên quan.
Cùng với nội dung nói trên, một số ý kiến đề nghị, nên quy định rõ trong luật theo hướng: Viện KSND chỉ có quyền phát biểu ý kiến và kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, không đề xuất quyết định giải quyết vụ án. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị, nên quy định Viện KSND có quyền đề xuất quyết định giải quyết vụ án, nhằm bảo đảm tính khách quan, đồng thời thể hiện được vị trí, chức năng kiểm sát của cơ quan này. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014, khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, Viện KSND có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cho ý kiến vào dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành các quy định liên quan nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội.
Đề cập các nội dung liên quan tranh tụng tại tòa, nhiều ý kiến đề nghị, quy định cụ thể nội dung này ngay trong luật, đồng thời cho rằng, việc tranh tụng tại tòa cần tiến hành ở cả ba cấp xét xử: sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm. Một số ý kiến đề nghị, cùng với việc đề cao vai trò của hoạt động tranh tụng tại tòa, cần có quy định bảo đảm để luật sư thực hiện tốt và đầy đủ quyền trong hoạt động tố tụng, như tham gia ngay từ đầu quá trình tố tụng, cũng như đề cao vai trò của luật sư trong hoạt động tranh tụng…
Nhiều ý kiến tán thành với các quy định trong dự thảo luật theo hướng bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can; đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến vào dự án Luật Tạm giữ, tạm giam và dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()