Bảo đảm nguồn vốn cho vay trung, dài hạn
Những ngày qua, lãi suất đầu vào đang được nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) rục rịch điều chỉnh tăng. Nhiều ý kiến lo ngại việc tăng lãi suất huy động như vậy sẽ khiến chi phí vốn tăng cao, từ đó lãi suất cho vay cũng tăng theo. Nhưng theo các NHTM, động thái điều chỉnh này nhằm cân đối lại nguồn vốn, thu hút nhiều hơn nguồn vốn kỳ hạn dài để đáp ứng nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp (DN).
Cân đối vốn bảo đảm thanh khoản
Động thái điều chỉnh đầu tiên được ghi nhận ở Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khi ngân hàng này niêm yết lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng với mức điều chỉnh tăng 0,2%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ACB là 6,7%/năm khi khách hàng gửi 36 tháng. Còn các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 6,2%/năm và 6,5%/năm. Biểu lãi suất huy động tiền gửi của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng được điều chỉnh tăng 0,1 đến 0,4% ở các kỳ hạn ngắn. Riêng kỳ hạn chín tháng đã được nâng lên 6% từ mức 5,6%/năm. Đối với khối NHTM Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dài từ 0,3 đến 0,5%/năm. Theo đó, lãi suất huy động áp dụng với tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 18 tháng là 6,5%/năm (thay cho 6,2%/năm); kỳ hạn 24 tháng là 6,8%/năm (thay cho 6,3%/năm).
Lý giải về động thái điều chỉnh lãi suất huy động lần này, nhiều lãnh đạo NHTM cho rằng, đây là một hoạt động bình thường của các ngân hàng tùy theo chiến lược kinh doanh của từng đơn vị, nhằm cân đối lại nguồn vốn. Theo đó, có ngân hàng cần vốn ngắn hạn sẽ tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, và ngược lại. Đợt tăng lãi suất huy động trên thị trường vừa qua chủ yếu được ghi nhận tập trung vào các kỳ hạn dài. Theo một lãnh đạo NHTM cổ phần, thời gian qua, trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng, vốn ngắn hạn vẫn chiếm phần lớn, nguồn vốn dài hạn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, phục vụ các dự án đòi hỏi nguồn vốn dài hơi hơn. Do đó, các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để hút vốn trung, dài hạn.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, thực tế trong các kỳ hạn mà ngân hàng đã huy động thì kỳ hạn ngắn chiếm gần 70% tổng số vốn huy động. Trong khi đó, thời gian cho vay lại chiếm kỳ hạn dài hơn, với dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 53 đến 55% tổng dư nợ. “Chính vì vậy, việc tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay”, ông Minh khẳng định. Động thái tăng lãi suất lần này của ACB cũng được lãnh đạo ngân hàng này cho biết là nhằm cân đối lại nguồn vốn. Cụ thể, tại ACB, số dư huy động tính đến ngày 30-5 là hơn 158,794 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, số dư cho vay đạt mức hơn 122,371 nghìn tỷ đồng. Điều này có thể gây ra áp lực về độ an toàn trong cơ cấu vốn và tài sản của ngân hàng. Vì lẽ đó, ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để hút khách, bù đắp nguồn vốn bị thiếu hụt.
Huy động tăng, lãi suất cho vay liệu có tăng?
Việc tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng như lý giải ở trên là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn. Tuy nhiên, điều mà cộng đồng DN lo lắng là liệu sau những động thái điều chỉnh lãi suất đầu vào này, lãi suất cho vay có tăng theo tương ứng? Trong khi đó, theo kỳ vọng của NHNN và của cả DN là cần giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là lãi suất trung và dài hạn. Trước vấn đề này, một số lãnh đạo NHTM đã cho rằng, lãi suất đầu vào cao, tất nhiên sẽ kéo theo lãi suất đầu ra phải cao hơn. Mặt khác, trong nguyên tắc kinh doanh thì cho vay trung, dài hạn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn, rủi ro cũng nhiều hơn, do đó chi phí cũng sẽ phải cao hơn. Tuy nhiên thực tế tại nước ta hiện nay, nguồn vốn dài hạn vẫn còn rất thiếu. Do vậy, đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động vừa qua chủ yếu với các kỳ hạn dài, cũng nhằm mục đích thu hút thêm nguồn vốn trung, dài hạn.
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cũng đưa ra quan điểm: Không phải cứ ngân hàng tăng lãi suất huy động đầu vào 1% là họ phải tăng lãi suất đầu ra. Có thể ngân hàng muốn tăng cường huy động vốn trung, dài hạn để bảo đảm thanh khoản bền vững. Và như thế, họ chấp nhận thêm chi phí chi trả phần tăng thêm lãi suất. Khoản chi phí này gọi là chi phí thanh khoản.
Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn có cách giữ mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại, thậm chí vẫn có thể giảm thêm. Bởi vì nguồn vốn cho vay trung, dài hạn có thể đến từ nhiều nguồn vốn khác nhau và khi được trung hòa thì giá vốn cũng thấp đi. Kèm theo đó là nhiều giải pháp để không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay như tiết giảm chi phí hoạt động, tích cực thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn, giảm chi phí rủi ro… Cách làm này vô hình trung vừa tiết giảm chi phí lại nâng cao chất lượng kinh doanh, khả năng quản lý hoạt động của ngân hàng.
Thời gian qua, tăng trưởng huy động vốn toàn ngành tăng chậm hơn so với tăng trưởng dư nợ. Do đó, với nguồn vốn kỳ hạn dài được huy động ngay từ bây giờ, các ngân hàng sẽ hoạch định kế hoạch kinh doanh một cách chủ động hơn. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng có thể cho vay trung, dài hạn với lãi suất thấp hơn. Ngoài ra, trong cơ cấu sử dụng vốn, các ngân hàng luôn phải bảo đảm nguồn vốn dư dả để giải ngân cho kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Trong kinh doanh, các ngân hàng luôn phải có sự chuẩn bị từ trước. Nếu ngân hàng có kế hoạch tăng dư nợ trung, dài hạn vào giai đoạn cuối năm thì ngay từ bây giờ họ phải thực hiện chiến lược huy động. Bởi không phải cứ tăng lãi suất là ngân hàng đã huy động được vốn ngay. Sự thận trọng trong cơ cấu lại nguồn vốn của các ngân hàng, theo nhiều chuyên gia kinh tế là rất quan trọng. Bởi thực tế có thời điểm sự mất cân đối vốn đã ảnh hưởng đến sự an toàn của ngân hàng nói riêng, cả hệ thống nói chung. Do đó, các ngân hàng phải có đủ nguồn vốn huy động trung, dài hạn cho phép để cho vay vốn trung, dài hạn. Đồng thời, việc tăng lãi suất chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn dài cũng được các chuyên gia đánh giá là cần thiết để đưa lãi suất các mức kỳ hạn về đúng bản chất huy động và sử dụng vốn. Từ đó, thiết lập đường cong lãi suất chuẩn hơn.
“Các ngân hàng đang cạnh tranh rất quyết liệt trong việc tiếp cận khách hàng. Với những dự án tốt, khách hàng tốt, đương nhiên được nhiều ngân hàng chào mời. Chính sự chào mời tạo ra cơ chế thương lượng bình đẳng giữa ngân hàng và khách hàng. Và trong bối cảnh này, các ngân hàng khó có thể kinh doanh theo cách bán cái mình có hoặc bán theo giá mình chào, mà phải bán theo mức giá thị trường đang cần. Như vậy, có thể ngân hàng tăng lãi suất huy động trung, dài hạn nhưng chưa chắc làm giá thành chung lãi suất cho vay tăng theo”.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()