Bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ đông xuân
Vụ đông xuân năm 2021 – 2022 ở các địa phương phía bắc dự báo gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nước, rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Vì vậy, các địa phương cần bố trí khung thời vụ thích hợp và hướng dẫn nhân dân các quy trình chăm sóc để bảo đảm vụ đông xuân đạt kết quả tốt.
Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường đánh giá, sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2020 – 2021 ở các địa phương phía bắc thắng lợi lớn khi năng suất, sản lượng đều tăng. Nguyên nhân là do diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng được mở rộng, chi phí đầu tư, công lao động giảm và bà con nông dân đã tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Qua thống kê, diện tích gieo cấy trong vụ này hơn một triệu héc-ta, năng suất khoảng 64,2 tạ/ha (tăng 1,6 tạ/ha
so với vụ đông xuân trước), sản lượng đạt gần bảy triệu tấn. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ năng suất trung bình đạt 65,1 tạ/ha, vùng đồng bằng sông Hồng đạt 66,4 tạ/ha, vùng trung du, miền núi phía bắc đạt 58,6 tạ/ha. Một số tỉnh có năng suất lúa tăng cao như: Thừa Thiên Huế 67,6 tạ/ha, Nghệ An 68,85 tạ/ha…
Vụ đông xuân năm 2021 – 2022, dự kiến các địa phương phía bắc gieo cấy hơn một triệu héc-ta lúa, giảm khoảng 6.000 ha so với lúa vụ đông xuân năm 2020 – 2021; phấn đấu năng suất trung bình đạt 64,4 tạ/ha với sản lượng gần bảy triệu tấn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết: “Vụ đông xuân này trên địa bàn có kế hoạch gieo cấy khoảng 55.000 ha lúa, năng suất 65 tạ/ha, sản lượng hơn 357.000 tấn. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang đề nghị các địa phương khuyến cáo nhân dân gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất; lựa chọn giống trong cơ cấu gieo cấy phù hợp điều kiện từng vùng sản xuất; hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; khuyến khích nhân dân dồn điền đổi thửa, thuê, mượn đất để tạo thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; quy hoạch, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị canh tác”.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, vụ đông xuân này dự kiến gieo cấy khoảng 48,5 nghìn héc-ta lúa, phấn đấu sản lượng đạt khoảng 293.000 tấn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để sản xuất có hiệu quả, tỉnh đang vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng cơ cấu giống, thời vụ sản xuất, quy trình canh tác; giới thiệu, tuyên truyền các mô hình sản xuất hiệu quả, tiến bộ sản xuất mới, vấn đề an toàn thực phẩm… để người dân kịp thời nắm bắt áp dụng trong sản xuất.
Qua nhận định của các cơ quan chuyên môn, sản xuất vụ đông xuân năm nay nhiều khả năng sẽ thiếu hụt nguồn nước, nhất là các địa phương vùng trung du, miền núi phía bắc. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Ðắc Hùng cho biết: “Vụ đông xuân năm 2021 – 2022 có diện tích gieo trồng lớn, nhiều loại cây trồng có thể thâm canh cho năng suất cao, quyết định đến kết quả sản xuất cả năm. Dự kiến, trong vụ đông xuân này nông dân trên địa bàn gieo cấy 16.300 ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 57,5 tạ/ha. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất trong giai đoạn đầu vụ. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương cần đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho những vùng sản xuất tập trung; kiên cố hóa kênh mương, điều tiết nguồn nước sản xuất hợp lý; vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm nước tưới cho cây trồng”.
Nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất trong vụ đông xuân tới, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương gieo mạ đúng lịch thời vụ, chủ động đề phòng, chống rét cho mạ; mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận vào sản xuất; tập trung mọi nguồn lực để gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch; sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tranh thủ lấy nước tối đa qua các đợt triều cường. Ðồng thời bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa để tích nước trong các hệ thống bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất; có kế hoạch nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nội đồng, tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi; tích trữ nước sớm trong các ao, hồ, kênh mương; khuyến cáo và nhân rộng kịp thời các tiến bộ khoa học vào sản xuất; đẩy mạnh việc chuyển đổi những diện tích trồng lúa ở khu vực cao, khó khăn về nước tưới sang cây trồng cạn như: ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại nhằm nâng cao giá trị kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu gieo, cấy, thu hoạch, mở rộng mô hình mạ khay, máy cấy để bảo đảm thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; tăng cường thanh, kiểm tra, chất lượng giống, vật tư nông nghiệp nhằm ngăn chặn việc kinh doanh hàng giả, kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân…
Ý kiến ()