Bảo đảm nguồn nguyên liệu cho điều nhân xuất khẩu
Theo Bộ Công thương, năm 2016, ngành điều xuất khẩu 347 nghìn tấn điều nhân, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và là năm thứ 11 đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều. Ðể tiếp tục giữ vững vị trí "đầu bảng" về sản lượng, chất lượng điều xuất khẩu điều quan trọng là phải bảo đảm nguồn nguyên liệu trong nước.
Phát triển thiếu bền vững
Mặc dù là nước chế biến hơn 50% sản lượng điều toàn cầu, đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, nhưng nguồn nguyên liệu điều trong nước chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu của các nhà máy chế biến. Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã điều Bình Phước Vũ Ðức Bộ cho rằng, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến điều. Nâng sản lượng, chất lượng điều trên diện tích hiện có là việc làm rất khó do phần lớn diện tích đất trồng điều được bố trí trên chân đất không thuận lợi. Những năm trước, khi cao-su cho giá trị kinh tế cao người dân ưu tiên vùng đất tốt để trồng loại cây này; diện tích còn lại đất xấu, độ dốc lớn, thậm chí không có nước tưới… thì mới trồng điều. Do vậy, cây điều khó có điều kiện thâm canh và ít được quan tâm chăm sóc. Mấy năm gần đây, thời tiết diễn biến không thuận lợi đã phát sinh nhiều loại sâu, bệnh gây hại ở mức độ nặng hơn cho cây điều; làm giảm năng suất, sản lượng.
Bên cạnh diễn biến bất thường của thời tiết, các vườn điều hầu hết không được đầu tư chăm bón theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể, thiết kế vườn cây không hợp lý, không có biện pháp bảo vệ đất chống xói mòn; mật độ cây không bảo đảm. Hằng năm, không xới xáo, bón phân, tưới nước (trừ một số vườn trồng xen), không tiến hành tỉa cành tạo tán; phòng trừ sâu bệnh không triệt để và đúng cách, cho nên khi xảy ra bất thường về điều kiện sinh trưởng, vườn cây nhanh suy kiệt, năng suất sụt giảm đột ngột.
Hiện cả nước có 300 nghìn ha điều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Ðồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại Bình Phước, thủ phủ điều của cả nước với diện tích trồng 180 nghìn ha thì đã có tới 60 đến 70% diện tích trồng điều già cỗi, cây giống không đạt chất lượng, chăm sóc không đúng kỹ thuật. Hầu hết những diện tích điều có năng suất kém phân bố ở vùng sâu, vùng xa, người dân quan niệm “trời cho sao ăn vậy” cho nên chất lượng, sản lượng điều không cao, trung bình chỉ đạt khoảng hai tấn/ha; trong khi những vùng trồng khác, nếu chăm sóc tốt năng suất có thể đạt tới bốn đến năm tấn/ha.
Cần chủ động nguồn nguyên liệu
Năm 2017 ngành điều phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn ba tỷ USD, tăng 160 triệu USD so với năm 2016. Ðến nay sau sáu tháng đã xuất khẩu đạt 149 nghìn tấn và đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD, giảm 4,4% về khối lượng, nhưng tăng 20,8% về giá trị. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân những tháng đầu năm đạt 9.562 USD/tấn, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2016. Theo Chủ tịch Hiệp hội Ðiều Việt Nam (Vinacas) Nguyễn Ðức Thanh, do thiếu nguyên liệu, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu đã phải nhập thêm khoảng 400 nghìn tấn nguyên liệu từ các quốc gia khác. Theo dự báo, mùa vụ điều trong nước vẫn còn một đợt thu hoạch, nhưng sản lượng không nhiều, không đáp ứng được số lượng đặt ra. Do đó, năm nay ngành điều phải nhập khẩu thêm 500 nghìn tấn điều thô phục vụ chế biến để “tái xuất”.
Nhiều năm qua, ngành điều luôn phải đối mặt với thực trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Do không chủ động được nguồn nguyên liệu cho nên ngành điều chủ yếu “lấy công làm lãi”, nhưng nhiều rủi ro vì khó kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm nguyên liệu nhập ngoại.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Cây công nghiệp – Cây ăn quả (Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Ðức Mạnh cho rằng: Với diện tích khoảng 300 nghìn ha nếu như chăm sóc tốt chúng ta có thể chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu cần cho chế biến xuất khẩu. Do vậy, toàn ngành điều, nhất là các doanh nghiệp thu mua điều phải tăng cường hướng dẫn nông dân thâm canh, ghép cải tạo các vườn điều lớn tuổi để cải thiện chất lượng hạt điều; nghiên cứu chọn tạo và đưa vào sản xuất giống điều có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái, chống chịu một số sâu bệnh chủ yếu và thích nghi biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp chế biến điều cũng đẩy mạnh hợp tác sản xuất, liên kết bốn nhà, tạo vùng nguyên liệu vững chắc trong nước song song với quan hệ đa phương với các hiệp hội hạt quốc tế, nắm vững thị trường xuất khẩu cũng như chủ động hơn về giá xuất khẩu điều; hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật để người dân có điều kiện chăm sóc vườn điều tốt hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()