Bảo đảm nguồn hàng nông sản dịp Tết
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo điều hành giá, do đã có sự chủ động về kế hoạch sản xuất cho nên nguồn cung hàng hóa nông sản khá dồi dào, không lo cháy hàng dịp Tết Nguyên đán. Vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất là chất lượng và giá cả hợp lý.
Theo Cục Trồng trọt, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa nông sản phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cục đã lên kế hoạch hướng dẫn các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chủ lực phục vụ Tết như: gạo, các loại thịt và rau củ quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tính đến ngày 25-12-2017, cả nước có hơn 20 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó cà-phê 100 ha, chè gần 1.700 ha; lúa 1.566 ha, cây ăn quả hơn 13 nghìn ha, rau hơn 3.000 ha. Bên cạnh đó, nguồn cung thực phẩm cũng khá dồi dào do các địa phương đã chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình liên kết, sản xuất thịt lợn theo chuỗi khép kín phục vụ thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu ở Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh…
Nhiều công ty, tập đoàn lớn như TH, Bình Hà, DABACO, Thái Dương, Hòa Phát, Hùng Vương… đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín ngay từ khâu giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ. Ðây chính là nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, vừa bảo đảm số lượng, chất lượng, và người tiêu dùng có thể yên tâm về VSATTP.
Theo Sở Công thương Hà Nội, để phục vụ Tết Nguyên đán 2018, thành phố cần khoảng 87.500 tấn gạo, 50 nghìn tấn thịt, trong đó thịt lợn là 24 nghìn tấn, thịt bò 6.153 tấn, thịt gà khoảng 6.500 tấn, thủy, hải sản các loại ước 5.500 tấn, và các loại rau củ quả khoảng 100 nghìn tấn. Nhưng Hà Nội chỉ tự đáp ứng được từ 15% đến 66% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ nhiều địa phương khác cho nên sở đã chủ động ký các hợp đồng cung ứng sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp uy tín trong cả nước nhằm bảo đảm nguồn hàng phục vụ người dân đón Tết.
Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương cũng đã lên kế hoạch dự trù nguồn cung từ ba tháng trước với các mặt hàng nông sản như: gạo 193.600 tấn, thịt lợn 50 nghìn tấn, thịt gà 14 nghìn tấn, thịt bò 13.800 tấn, trứng gia cầm 200 triệu quả, rau củ 220 nghìn tấn, thực phẩm chế biến 12 nghìn tấn, thủy – hải sản 12 nghìn tấn, trong đó riêng mặt hàng nông – lâm sản khô khoảng 3.500 tấn. Riêng tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh – Saigon Co.op tổng lượng hàng hóa dự kiến là hơn 130 nghìn tấn, tăng 15% so với năm trước.
Do chủ động được kế hoạch sản xuất, nguồn cung nông sản phục vụ Tết Nguyên đán tương đối dồi dào. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị ở Hà Nội, sức mua đã bắt đầu tăng. Chị Nguyễn Thị Oanh, nhân viên siêu thị VinMart ở Ðội Cấn chia sẻ: Mặt hàng rau, củ, quả, nhất là thịt các loại tiêu thụ tăng mạnh, do đây là thời điểm các cơ quan, nhà hàng và gia đình tổ chức gặp mặt tất niên. Mặt hàng này được nhà sản xuất cung ứng hằng ngày cho nên bảo đảm độ tươi ngon, giá cả ổn định.
Không chỉ tại các siêu thị, trung tâm thương mại, lượng tiêu thụ hàng hóa nông sản tăng cao mà tại các khu chợ dân sinh các mặt hàng cũng đã bắt đầu tăng nhiệt. Nếu như hàng hóa ở siêu thị có nguồn gốc, thì ở các khu chợ dân sinh lại do các tiểu thương và chính những người nông dân vùng ven mang vào thành phố. Chị Ðỗ Thị Oanh (chợ Cống Vị, phường Liễu Giai, TP Hà Nội) chia sẻ, hiện tại giá thịt lợn vẫn giữ mức ổn định so với ngày thường.
Ðể giữ nguyên giá và bảo đảm nguồn cung không khan hiếm trong dịp Tết, chị đã ký hợp đồng với cơ sở giết mổ trên tinh thần giữ nguyên giá như trong năm, hoặc nếu có tăng thì chỉ tăng rất ít. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện giá thịt lợn tại chợ dân sinh đang dao động từ 80 đến 90 nghìn/ kg thịt sườn; thịt bò có giá từ 160 đến 170 nghìn/ kg. Nhưng ở siêu thị mức giá cao hơn từ 70 đến 100 nghìn đồng/ kg mỗi loại.
Hy vọng rằng với công tác chuẩn bị chu đáo, lượng hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ góp phần phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()