Bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm
Chỉ còn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần – thời điểm nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng khoảng 10-15%, việc bảo đảm nguồn cung các sản phẩm thịt, trứng, sữa dịp cuối năm là rất cần thiết.
Trước tình hình ấy, ngày 30/10, dưới sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ, và UBND 29 tỉnh, thành phố tổ chức “Diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, kết nối giao thương về sản phẩm chăn nuôi”.
Hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm dịp cuối năm
Báo cáo tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 9 tháng năm 2021, giá thịt lợn xuất chuồng cao nhất 75.000 đồng/kg, vừa qua nhu cầu giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng nên giá còn 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng bán thịt, các chợ và các siêu thị khu vực nội thành của 2 thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao (110.000 – 200.000 đồng/kg tùy theo loại thịt, có loại như thịt nọng tới 415.000 đồng/kg), tăng cao do khâu lưu thông phân phối.
Còn tại các sạp thịt lợn ở các chợ truyền thống vùng nông thôn (không phải vận chuyển đi xa) giá thịt lợn từ 80.000 – 90.000 đồng/kg (giá này là hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất – lưu thông phân phối – tiêu dùng).
Giá gà công nghiệp lông trắng giai đoạn tháng 7, 8 các tỉnh phía bắc khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg; các tỉnh phía nam 6.000 – 10.000 đồng/kg.
Ông Trọng cũng cho biết, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo tổ chức hội nghị với các địa phương, với các doanh nghiệp và thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương chỉ đạo sản xuất, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, phối hợp Bộ Công an ngăn chặn kịp thời việc nhập lậu giống và sản phẩm chăn nuôi.
Đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, có nơi 52.000 – 53.000 đồng/kg tùy từng vùng. Giá gà công nghiệp lông trắng đã tăng trở lại với 27.000 – 30.000 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, kịp thời đề xuất những khó khăn vướng mắc với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ để khôi phục sản xuất; có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.
Chia sẻ tại diễn đàn ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết, trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nhưng tình hình chăn nuôi của Bình Dương vẫn được duy trì ổn định. Đến nay, ngành chăn nuôi của tỉnh thực hiện theo hướng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung. Tỉnh cũng tập trung thực hành nông nghiệp tốt, bảo đảm chất lượng theo các tiêu chuẩn GAP và khuyến khích chăn nuôi hữu cơ.
Năm 2020, Bình Dương có chủ trương di dời các hộ chăn nuôi nhỏ ra khỏi các khu đô thị, đến các khu vực lân cận để hình thành vùng chăn nuôi tập trung và được các hộ chăn nuôi, các trang trại ủng hộ và thực hiện tốt.
Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, chuỗi cung ứng của tỉnh có bị đứt gãy cục bộ, kèm theo đó là giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán giảm gây ra không ít khó khăn đến người chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, qua quá trình kết nối của Diễn đàn kết nối nông sản 970, áp lực tiêu thụ của tỉnh phần nào được giảm tải, nhìn chung khả năng cung ứng sản phẩm chăn nuôi ra thị trường của Bình Dương đang phục hồi và ổn định trở lại.
“Dự kiến đến Tết Nguyên đán, nguồn cung ứng thịt sẽ được bảo đảm do tỉnh đã có những chính sách khuyến khích người chăn nuôi từ bây giờ”, ông Phạm Văn Bông khẳng định và cho biết thêm, giá thịt lợn hơi tại địa phương đã tăng trở lại và nếu duy trì được sẽ bảo đảm được lợi ích cho người chăn nuôi.
Tập trung tái đàn, chuẩn bị lương thực cho Tết Nguyên đán
Chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguy cơ xuất hiện trở lại của dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này từng khiến Việt Nam tiêu hủy 6 triệu con lợn, đồng thời đẩy giá thịt lợn hơi có lúc lên hơn 100.000 đồng/kg. Ngoài dịch bệnh, ngành còn gặp thách thức ở việc giá trị sản phẩm hiện bị tồn đọng nhiều tại vật nuôi.
Theo Thứ trưởng, trong thời gian các tỉnh, thành phố phía nam giãn cách, năng lực sản xuất tại chỗ về thịt của TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm khoảng 5-10%, khiến thành phố bị thiếu hụt cục bộ lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống bị ùn ứ, khó lưu thông tại một số địa phương.
Dù gặp nhiều khó khăn khách quan, báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, sản lượng thịt, trứng, sữa rất lớn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết, mục tiêu 5,8 triệu tấn thịt các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỷ quả trứng sẽ đạt được.
“Chúng ta đang gặp nhiều thách thức. Vì thế, việc tổ chức những diễn đàn như này là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán đến gần. Qua diễn đàn, tôi rất mong người bán, người mua gặp nhau, giúp nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, đồng thời giảm áp lực dư thừa cục bộ trong thời gian vừa rồi”, Thứ trưởng chia sẻ.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng, hình thức kết nối người bán – người mua cho thấy sự hiệu quả trong thời gian qua. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt của ngành chăn nuôi là tập trung tái đàn, sớm ngăn chặn xu hướng giảm của đàn lợn, đàn gia cầm khi các tỉnh, thành phố mở cửa trở lại sau giãn cách.
“Giá thịt lợn ảnh hưởng vào rổ hàng hóa CPI rất lớn. Đó là lý do, ngành nông nghiệp cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để bảo đảm nguồn cung chăn nuôi, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng khẳng định.
TheoNhandan
Ý kiến ()