Bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường thực phẩm Tết Quý Tỵ
Kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Hàng Bề (Hà Nội). Mặc dù chưa bước vào thời điểm mua sắm cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã tăng giá, nhất là thịt, trứng, gia cầm và rau xanh. Đây là tín hiệu khiến người tiêu dùng lo lắng. Vì vậy, bảo đảm nguồn cung để ổn định thị trường thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết đang là yêu cầu cấp thiết của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng.Thực phẩm tăng giáThông lệ vào các dịp sát Tết, giá thực phẩm bao giờ cũng tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, năm nay, việc các loại thực phẩm tăng giá ngay từ cuối tháng 11 âm lịch là tình trạng nằm ngoài dự kiến của các bà nội trợ. Trong đó, giá thịt lợn tăng mạnh nhất vào hai tuần đầu tháng 12 (có nơi tăng 12% so với tháng trước). Giá gà công nghiệp hơi cũng tăng khoảng mười nghìn đồng/kg so với hồi tháng 6-2012. Qua khảo sát tại các chợ Ngọc Khánh, Thành Công, Gia Lâm (ngày 17-1-2013),...
Kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Hàng Bề (Hà Nội). |
Mặc dù chưa bước vào thời điểm mua sắm cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã tăng giá, nhất là thịt, trứng, gia cầm và rau xanh. Đây là tín hiệu khiến người tiêu dùng lo lắng. Vì vậy, bảo đảm nguồn cung để ổn định thị trường thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết đang là yêu cầu cấp thiết của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng.
Thực phẩm tăng giá
Thông lệ vào các dịp sát Tết, giá thực phẩm bao giờ cũng tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, năm nay, việc các loại thực phẩm tăng giá ngay từ cuối tháng 11 âm lịch là tình trạng nằm ngoài dự kiến của các bà nội trợ. Trong đó, giá thịt lợn tăng mạnh nhất vào hai tuần đầu tháng 12 (có nơi tăng 12% so với tháng trước). Giá gà công nghiệp hơi cũng tăng khoảng mười nghìn đồng/kg so với hồi tháng 6-2012. Qua khảo sát tại các chợ Ngọc Khánh, Thành Công, Gia Lâm (ngày 17-1-2013), thịt bò hiện có giá 260 nghìn đồng/kg, bò bắp 240 nghìn đồng/kg; thịt lợn thăn 100-110 nghìn đồng/kg, thịt gà công nghiệp 65-70 nghìn đồng/kg, các loại rau xanh cũng tăng và đứng ở mức cao: cải bắp 13 nghìn đồng/ kg, cải xanh 14 nghìn đồng/kg, cà chua 18-20 nghìn đồng/kg… Giá trứng bán ở chợ vẫn giữ ở mức cao, sau sự việc Công ty CP Việt Nam nhận sai trong việc tăng giá trứng bất hợp lý trong thời gian vừa qua làm thị trường trứng bất ổn, và đã kịp điều chỉnh giảm giá trứng (tại các tỉnh phía Nam) xuống còn 23 nghìn đồng/mười quả, đồng thời Công ty Emivest cũng giảm giá còn 22 – 26 nghìn đồng/mười quả. Trò chuyện cùng chị Lê Thị Hà, người chuyên bán trứng ở chợ Ngọc Khánh, chị cho biết, lấy buôn từ các đại lý, một chục quả trứng gà ta đã có giá 34 nghìn đồng, trứng gà công nghiệp 25 – 26 nghìn đồng, trứng vịt khoảng 30 nghìn đồng. Chị Hà phàn nàn “Giá trứng tăng cao quá cũng thật khó bán, chỉ cần được hơn vài ba giá là tôi bán luôn, nhưng bán lẻ ế thế này thì không biết bao giờ mới hết rổ trứng”. Còn gà ta (gà đồi), giá lên tới 135 -145 nghìn đồng/ kg. Song, thực tế qua hỏi chuyện anh Ngô Văn Long, Trưởng Ban chăn nuôi thú y xã Đồng Tâm – một trung tâm gà vườn Yên Thế (Bắc Giang), chúng tôi được biết, tại đây gà loại ngon (nuôi khoảng ba tháng tuổi) chỉ có giá từ 82 đến 83 nghìn đồng/kg, tăng cao hơn so với tháng trước ba, bốn nghìn đồng/kg thôi. Anh cũng thông tin thêm, gà xuất bán Tết trong xã hiện còn rất nhiều, nhất là đàn gà trống, người chăn nuôi vẫn để dành dùng để bán (vào dịp cúng gia tiên) cũng lên tới hơn 40 nghìn con.
Đâu là nguyên nhân?
Nói về nguyên nhân tăng giá thực phẩm, nhất là trứng gia cầm, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng: “Việc tăng giá trứng liên tục trong những ngày qua do thiếu cục bộ trong một thời điểm chứ không thể làm thay đổi giá trứng tăng đột biến trong thời gian tới. Từ thông tin về việc Nhà nước thắt chặt hoạt động nhập khẩu gà loại thải của Trung Quốc, giá gà trên thị trường được đẩy lên, khiến nhiều chủ trang trại đang nuôi gà sinh sản (vì được giá) cũng đem bán sớm hơn bình thường. Hơn nữa, tâm lý giữ gà để bán Tết của các hộ chăn nuôi, cùng với việc các đơn vị chăn nuôi đang tập trung đàn gia cầm xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán nên nguồn cung ra thị trường thời gian này giảm, cũng góp phần làm giá thịt gia cầm tăng lên. Nhận định về thị trường thịt lợn, ông Chung Kim, một “đại gia” chăn nuôi nổi tiếng ở Bình Dương, cũng là Trưởng Ban sản xuất thị trường của Hội Chăn nuôi Việt Nam cho chúng tôi biết, giá thịt lợn biến động như vậy là hợp lý chứ không phải là sốt giá, bởi nguồn cung ứng hiện không thiếu. Tại các trang trại lớn ở Đông Nam Bộ hay các tỉnh đồng bằng sông Hồng vẫn đang đầy ắp lợn thương phẩm chờ bán trong dịp Tết. Việc tăng giá như vậy cũng là để chia sẻ với những người chăn nuôi nhỏ lẻ có cơ hội tái tạo đàn, bởi nếu họ không nuôi nữa thì nguồn thực phẩm sẽ thiếu nghiêm trọng trong năm 2013. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù tăng giá nhưng thịt bò, thịt lợn đã chững lại từ hai tuần nay. Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang khẳng định, nguồn cung ứng các loại thịt sẽ không thiếu, có chăng chỉ thiếu những loại gà lai nuôi chăn thả (như gà ri lai gà chọi, gà mía lai gà chọi…) đang được ưa chuộng trên thị trường. Và, với nguồn cung khá dồi dào như hiện nay, giá các loại thịt lợn, gà công nghiệp xuất tại trại sẽ khó có thể tăng nữa trong những ngày Tết. Theo số liệu thống kê từ Cục Chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2012 đạt hơn 4,3 triệu tấn (tương đương hơn 3,0 triệu tấn thịt xẻ), tăng 3,8% so với năm 2011, cộng với lượng thịt nhập khẩu cả năm 2012 (khoảng 80 nghìn tấn thịt xẻ) sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm. Về mặt hàng rau xanh, theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng rau các loại đạt 810 nghìn ha, với sản lượng đạt 13,5 triệu tấn (tăng 1,6% về diện tích gieo trồng và 1,9% về sản lượng) so với năm trước. Trong đó, diện tích cây trồng vụ đông của các tỉnh phía bắc là 166 nghìn ha, cao hơn năm trước 103,6%. Tuy nhiên, do khu vực phía bắc liên tục có các đợt rét kéo dài, đã ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây trồng và nguồn cung rau củ ra thị trường, do đó giá các loại rau xanh tăng khá mạnh từ cuối tháng 12 vừa qua và hiện vẫn đứng ở mức cao.
Giải pháp ổn định thị trường
Dự báo diễn biến thị trường thực phẩm từ nay đến sát Tết Nguyên đán, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Nguyễn Lộc An cho biết, theo tập quán tiêu dùng, nhu cầu các mặt hàng thịt gia cầm (gà ta nguyên con) và thịt lợn, hải sản, thịt bò sẽ tăng trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên do các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các tiểu thương đã nắm được quy luật này nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, cùng với nguồn hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tại các thành phố lớn, nguồn cung các loại thực phẩm trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nhưng giá các mặt hàng có thể sẽ tiếp tục tăng trong những ngày giáp Tết, nhất là đối với các mặt hàng gà ta nguyên con, thịt bò, hải sản có thể tăng thêm khoảng 10 – 15% so với hiện nay. Có thể thấy, xét về góc độ sản xuất, các loại thực phẩm tăng giá là điều kiện thuận lợi, khích lệ người chăn nuôi tái đàn, mở rộng sản xuất. Song, không thể để việc tăng giá trở thành áp lực đối với các gia đình (nhất là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc) các địa phương, ban, ngành chức năng cần vào cuộc, bằng mọi cách bảo đảm nguồn cung thực phẩm (trong và sau Tết Nguyên đán), nhằm hạn chế tình trạng tăng giá. Do vậy, cùng với việc tăng cường kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, cần thông tin kịp thời, chính xác tình hình giá cả thị trường thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông sản phẩm chăn nuôi giữa các vùng, miền nhằm tránh hiện tượng thiếu hụt cục bộ tại những khu đô thị, khu đông dân cư, đồng thời ngăn chặn tình trạng đầu cơ, lũng loạn thị trường. Mặc dù giá sản phẩm chăn nuôi đang khích lệ người chăn nuôi, song cũng cần triển khai tiếp các giải pháp hỗ trợ vốn, đặc biệt nguồn vốn tín dụng (theo Công văn số 1149/TTg-KTN về hỗ trợ vốn cho chăn nuôi) để người chăn nuôi khôi phục tái đàn, phục vụ cho nhu cầu thực phẩm sau Tết. Cũng theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, nên sử dụng Quỹ bình ổn một cách “khôn ngoan”, vừa bảo đảm chống được tăng giá một cách đột biến, vừa khuyến khích người chăn nuôi. Quỹ phải bám sát giá sản xuất để vừa tránh được nguy cơ đội giá những vẫn phải bảo đảm lợi nhuận tối thiểu cho người chăn nuôi duy trì sản xuất trong nước, có như vậy mới bền vững được. Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên rà soát, đánh giá số liệu thực tế nguồn cung của từng mặt hàng thực phẩm thiết yếu cũng như khả năng cung ứng trong thời gian từ nay đến hết quý I-2013 để kịp thời đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời các biến động bất thường trên thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm. Tại địa phương, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối bán lẻ ký kết các hợp đồng cung ứng với các vùng sản xuất nông sản lớn, tăng cường mối liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến, phân phối để tạo nguồn cung ổn định, an toàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()